Ảnh: Báo Phú Yên
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản tỉnh Phú Yên đạt trên trên 38.000 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng một số dịch bệnh thường gặp trên các loài thủy sản nuôi tiếp tục tái diễn.
Thống kê chưa đầy đủ đã có ít nhất trên 1.630.000 con tôm hùm nuôi trong lồng, bè ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) bị chết; hơn 32.100 con cá mú bị chết và 68 ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh. Qua xét nghiệm các mẫu nước, mẫu một số loài thủy sản bị bệnh... bước đầu cơ quan chức năng xác định môi trường nuôi đang bị ô nhiễm nặng; số lượng lồng, bè thả nuôi quá dày, cộng với ảnh hưởng thất thường của thời tiết đã gây bệnh trên các loài thủy sản...
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Phú Yên đã phê duyệt 66 chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp, cải hoán 25 tàu và 41 tàu vay vốn lưu động với tổng số vốn gần 453 tỷ đồng; trong đó, đã đóng mới 12 tàu vỏ gỗ, vỏ composite và vỏ thép. Đến nay, 9 trong số 12 tàu cá này đều hành nghề an toàn và làm ăn có lãi, trung bình mỗi lần ra khơi mỗi tàu lãi từ 150 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
Riêng có 3 tàu vỏ thép công suất 829 CV của các ngư dân Phan Thanh Trị (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa), Trương Văn Công và Đỗ Ngọc Tín (ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) bị sự cố khi tàu hành nghề trên biển.
Những tàu này, đã được đơn vị đóng tàu kiểm tra, sửa chữa, bổ sung thiết bị; đồng thời hướng dẫn chủ tàu và thuyền viên cách sử dụng khai thác hiệu quả con tàu. Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn còn chiếc tàu cá của ông Phan Thanh Trị nằm bờ. Chiếc tàu này mang số hiệu PY 99991-TS do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Phà Rừng đóng mới. Tàu cá này sử dụng máy chính Yanmar 6A YM-WET có công suất 829 CV. Sau khi đưa tàu vào hoạt động đến nay chỉ mới thực hiện 5 chuyến biển nhưng đều bị sự cố nên không khai thác được.
Ngày 4/7, tại hội nghị thường kỳ do Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức đã tập trung thảo luận 10 nội dung về các giải pháp phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2017; trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp cần tháo gỡ khó khăn để phát triển ngành thủy sản.
Theo đó, Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương vùng biển khẩn trương xây dựng quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản và ban hành quy định về quản lý lồng, bè nuôi trồng thủy sản; xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương và ngành chức năng trong việc quản lý vùng nuôi; trước mắt thực hiện ngay giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm hùm chết ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, riêng huyện Đông Hòa thực hiện sắp xếp, quản lý vùng nuôi tôm hùm theo Quyết định số 892/QĐ-UBND ngày 27/4/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè tại Vũng Rô với diện tích 100 ha; đồng thời không cho tăng số lượng lồng, bè nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tuy An, UBND thị xã Sông Cầu rà soát, xác định khu đất khoảng 70 ha để triển khai quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm trên bờ.
Theo ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, những năm qua người dân đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng để nuôi tôm hùm và các loài thủy sản khác ở thị xã Sông Cầu nhưng dịch bệnh vừa qua gây thiệt hại quá lớn, do đó ngoài những giải pháp trên tỉnh cần sớm cân đối ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường.
Liên quan đến thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, những tàu cá đóng mới của ngư dân Phú Yên đều theo mẫu thiết kế đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt đủ điều kiện nhưng khi đưa vào khai thác đã xảy ra sự cố.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, về lâu dài để thực hiện tốt Nghị định 67, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại các mẫu thiết kế để bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với các nghề khai thác cũng như vùng biển hoạt động; kiểm tra lại các cơ sở đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép và công bố các đơn vị có năng lực đóng tàu cá tốt nhất để giúp ngư dân, đồng thời những cơ sở đóng tàu vỏ thép phải có trách nhiệm phối hợp với các chủ tàu tiếp tục xử lý các sự cố trên từng con tàu để ngư dân yên tâm hành nghề khai thác xa bờ.
Ông Trần Hữu Thế cũng kiến nghị lên Chính phủ cần xem xét dành khoản ngân sách để hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng mới tàu, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện khi chủ tàu, thuyền viên bị tai nạn lúc hành nghề trên biển, xử lý các rủi ro tín dụng khi tàu khai thác trên biển.
Tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 trong năm 2017 vì hiện nay Công ty Bảo Minh Phú Yên – đơn vị được chỉ định bán bảo hiểm cho tàu cá theo Nghị định 67 tại Phú Yên đang dừng việc bán bảo hiểm cho tàu cá theo diện được hỗ trợ./.