20 năm Internet tại Việt Nam: Những tác động mạnh mẽ

Thứ sáu, 01/12/2017 15:06
(ĐCSVN) - Sau 20 năm phát triển, từ ngày chính thức kết nối mạng toàn cầu 19/11/1997, Internet Việt Nam đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội hiện nay và tương lai với cuộc cách mạng 4.0. Internet đã trở thành một "tất yếu" song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Internet có tầm ảnh hưởng toàn cầu (Ảnh tư liệu)

Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định, tại Việt Nam hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống, từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ công nhân đều có thể tìm được thông tin trên Internet. Chính Internet đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta hiện nay. Theo đó, để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam ngày hôm nay, chúng ta cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu ở thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G, 4G với hạ tầng viễn thông Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, miền núi và hải đảo.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, tốc độ phát triển Internet đã đem đến nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm theo đó là những vấn đề rủi ro khác như cách hành xử trên Internet, việc cung cấp dữ liệu thông tin trái phép... đòi hỏi phải có những giải pháp xử lý thiết thực, kịp thời và hiệu quả.

Quá trình hình thành và phát triển internet tại Việt Nam

Năm 1991, Giáo sư Rob Hurle, Đại học Quốc gia Australia cùng với ông Trần Bá Thái, Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội đã tiến hành thí nghiệm kết nối các máy tính ở Australia và Việt Nam thông qua đường dây điện thoại. Năm 1994, Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội (thông qua công ty NetNam) đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam, với dịch vụ thư điện tử dưới tên miền quốc gia .vn

Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước. VNPT, Netnam là những doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet. Dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập hạn chế.

Năm 1999, các nhà cung cấp dịch vụ Internet được phép thử nghiệm công nghệ, dịch vụ điện thoại và các dịch vụ Internet cơ bản. Trung tâm thông tin mạng Internet VN (VNNIC) được thành lập 1 năm sau đó.

Đến 2003, Internet băng rộng ADSL (MegaVNN) chính thức có mặt trên thị trường. Đây là dịch vụ truy nhập Internet thông qua công nghệ băng rộng ADSL, cho phép người dùng truy nhập Internet tốc độ cao, vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax đồng thời. Cũng trong năm này, cước Internet, điện thoại giảm mạnh chưa từng có (từ 10 - 40%) đã kích thích nhu cầu người dùng tăng mạnh.

Năm 2009, Internet cáp quang FTTH chính thức được triển khai với tốc độ truy cập mạng tăng đáng kể so với ADSL. Cùng thời điểm này, VinaPhone khai trương mạng 3G mở ra kỷ nguyên Internet cho di động tại Việt Nam. Đây được xem là bước đón đầu quan trọng cho sự bùng nổ Internet băng rộng di động tại Việt Nam sau này.

Từ năm 2010, Internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với xu hướng chuyển dịch từ dịch vụ cáp đồng sang cáp quang. Việt Nam nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới. Đặc biệt, sự phát triển của Internet cũng thay đổi mạnh mẽ cách thức người dùng với sự bùng nổ của thị trường thiết bị di động (điện thoại thông minh và máy tính bảng).

Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam ở tuần lễ cấp cao APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu về số người sử dụng điện thoại di động. Đây cũng là tiền đề thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái Internet ở Việt Nam.

Quản lý hiệu quả để phát huy tính tích cực, hạn chế tiêu cực do Internet mang lại

Cùng với đó là sự thành công của các doanh nghiệp hạ tầng Internet Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VCCorp. Các doanh nghiệp này không chỉ có chỗ đứng vững vàng trong nước mà còn vươn ra cả thị trường khu vực cũng như quốc tế. Nhiều sản phẩm Internet do doanh nghiệp cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên nền tảng Internet đang phát triển rất mạnh. Nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… cũng được doanh nghiệp trong nước phát triển thành những sản phẩm hoàn thiện, có giá trị kinh tế cao.

Tại hoạt động Ngày Internet Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Hàng trăm dịch vụ hành chính công đã được triển khai ở mức độ 3, mức độ 4 ở nhiều địa phương và bộ ngành. Nhiều bộ, ngành còn mở các tài khoản chính thức trên mạng xã hội để tương tác với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người sử dụng. Đó là nền móng cho các ứng dụng Internet ở cấp độ cao hơn, phức tạp và quy mô lớn hơn như chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh và giáo dục thông minh”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (Ảnh: HNV)

Thực tế phát triển của internet 20 năm qua cho thấy, bên cạnh những giá trị làm thay đổi sâu sắc, tích cực đời sống xã hội và làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam, Internet cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều. Đặc biệt là lượng thông tin giả, tin bịa đặt, xuyên tạc, chống phá chế độ, xúc phạm nhân phẩm cá nhân và tổ chức. Ngoài ra các vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc, tống tiền đang nhằm vào mục tiêu là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Điều này đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của tất cả các cấp, ngành quản lý cũng như sự chủ động của từng cá nhân, tổ chức trong tiếp cận và sử dụng internet để ngăn ngừa sự lan tràn của các thông tin xấu, độc hại… Thông điệp này cũng đặc biệt được nhấn mạnh tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 được tổ chức trong hai ngày 27&28/11 vừa qua. Tại đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, sự phát triển của internet tại Việt Nam trong suốt 20 năm qua đã tạo ra và phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như các ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội. Đây là cơ hội để chúng ta có được những góc nhìn đa chiều về “cuộc sống trên internet” trong một cộng đồng cởi mở để chúng ta có thể hướng tới thiết lập một hệ sinh thái internet văn minh, minh bạch, đa dạng và an toàn.

Đối với Việt Nam, theo các chuyên gia, các nhà quản lý, trong bối cảnh hiện nay, việc học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến phát triển đi trước trong khai thác tối đa hiệu quả của internet cũng như hạn chế hết mức có thể những tác động tiêu cực mà internet mang lại là cần thiết. Song song là sửa đổi, bổ sung, cập nhật các chính sách quản lý mới, phù hợp với diễn biến thực tế của internet hiện tại trong sự phát triển của đất nước.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực