Bài 1: Đổi thay ở vùng Lùng (Vầu) Quan Sơn, Thanh Hóa

Từ một dự án, rừng được cấp chứng chỉ bền vững và người dân có thêm sinh kế
Thứ ba, 01/11/2022 15:28
(ĐCSVN)- Màu xanh mát của những thân cây Lùng (cây Vầu) thẳng tắp trên những sườn đối, triền núi làm dịu cái nắng hanh cuối hè đầu đông khi đoàn công tác chúng tôi đặt chân tới vùng đất Quan Sơn, Thanh Hóa.
Tổng quan chung về Dự án (Ảnh chụp màn hình) 

Bà Phạm Thùy Dung, cán bộ Oxfam thông tin, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh Châu Âu, Oxfam và đối tác đồng tài trợ, có mục tiêu tổng thể là góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua phát triển các chuỗi giá trị bền vững và toàn diện ở năm tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre. Dự án được triển khai trong bốn năm (2018 – 2022) với hai mục tiêu cụ thể: Gia tăng thu nhập của người sản xuất quy mô nhỏ và các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ trong ngành nghêu, tre thông qua các hoạt động sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực tiếp cận thị trường. Chuỗi giá trị nghêu và tre ở năm tỉnh được tổ chức tốt hơn, công bằng hơn và mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp. Dự án do Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung Tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTPRC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo chân cán bộ Dự án, chúng tôi đã gặp gỡ và chứng kiến sự đổi thay đầy mới mẻ cũng như hiệu quả nơi vùng đất được mệnh danh là “vùng nghèo” của tỉnh Thanh Hóa này.

 Cán bộ và người dân tham gia dự án (Ảnh: HNV)

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm nghèo đói và bất bình đẳng tại Việt Nam thông qua việc giải quyết những thách thức, tồn tại trong chuỗi giá trị Nghêu/Tre ở 5 tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang. Dự án do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC) – phụ trách chuỗi giá trị tre và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phụ trách hợp phần phát triển kinh doanh và xúc tiến thương mại.

FSC – Hội đồng quản lý rừng được thành lập năm 1992, do các đại diện doanh nghiệp, các nhóm xã hội và các tổ chức môi trường thành lập. FSC là tổ chức phi chính phủ,phi lợi nhuận toàn cầu độc lập, cung cấp một chương trình chứng nhận toàn cầu được quốc tế công nhận để đảm bảo quản lý có trách nhiệm đối với rừng trên toàn thế giới. Lợi ích của chứng chỉ FSC: giúp cho việc kiểm soát tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường tốt hơn; thể hiện rõ sự quan tâm tới đời sống xã hội và kinh tế của con người, nhất là đối với người dân bản địa; giúp giảm thiểu những lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên rừng không đúng cách; làm tăng giá trị của những mặt hàng và sản phẩm được công nhận bởi chứng chỉ FSC.

Nông dân Lò Văn Buôn và Phạm Bá Tiến, hai trong 20 thành viên ban đầu tham gia Tổ đan lát tại xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn cho biết, làm tại Tổ, bà con được trả công theo sản phẩm, mỗi tấm ngắn và dài là 1 bộ là được 45.000 đồng. 1 người làm 1 ngày nhanh được 2 bộ. Thường thì tham gia lao động trong Tổ là người lớn tuổi, không thể đi vào rừng chăm hay chặt cây được, vừa có thêm thu nhập vừa phù hợp với sức khoẻ. “Chúng tôi được hướng dẫn cách đan theo các khâu từ chẻ đến tẩm, nhuộm và đan thành tấm hoàn chỉnh” – nông dân Phạm Bá Tiến nói.

Ông Phan Văn Thắng, Giám đốc NTFPRC (đứng) và bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Công ty TNHH ECO BAMBOO Việt Nam (áo đỏ) tại Xưởng sơ chế tại bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: HNV)

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Ba, chịu trách nhiệm quản lý xưởng ở Quan Sơn chia sẻ, chúng tôi chia làm 3 Tổ gồm có, tổ cào chuyên làm khoán ăn theo sản phẩm, thời gian từ 5h-11h trưa hàng ngày; tổ chọn hàng có 4 người chịu trách nhiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các tấm đan thành phẩm và cũng làm khoán; tổ đót lò (ra lò vào lò) chịu trách nhiệm sây các lát đan, đảm bảo độ trắng của sợi đan, thời gian linh hoạt, có việc lúc nào gọi lúc ấy. “Cá nhân tôi chịu trách nhiệm quản lý xưởng tại địa phương được trả lương với mức 7,5 triệu/tháng. Còn đối với bà con nông dân tham gia ngoài làm nông thời vụ, họ còn làm thêm ở xưởng. Đặc biệt, trong vòng 3 tháng trở lại đây, bà con được hướng dẫn cẩn thận các kỹ năng làm nghề, làm theo khuôn mẫu, giúp bà con tăng thêm thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng” – Quản lý Vũ Đức Ba nói.

Cũng tại bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, vào thăm gia đình nông dân Lò Văn Tiếu, chúng tôi không ngừng ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang của gia đình. Ông Lò Văn Tiếu cho hay, gia đình ông tham gia Dự án được gần 2 năm nhưng do COVID-19 nên bị đứt quãng. Nhờ tham gia dự án, ông biết cách ươm giống và phục tráng rừng Lùng (Vầu) và canh tác trên rừng Lùng (Vầu) theo chứng chỉ FSC. “Rừng được chăm sóc khác biệt với quy trình bài bản hơn, chăm sóc tốt hơn, có kỹ thuật, thậm chí được bón phân để phát triển tốt hơn (được hỗ trợ giống, phân bón) giúp trồng mới và phục tráng rừng Lùng (Vầu) hiệu quả. Sản phẩm từ Lùng (Vầu) được gia đình sử dụng theo hướng làm tăm trắng (không sử dụng lưu huỳnh gây hại cho môi trường và sức khỏe con người) và tăm đen để làm chân hương. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3-6 năm là có thể khai thác với giá bán 200.000VNĐ/tạ” – ông Tiếu nói. Cũng theo nông dân Lò Văn Tiếu, cây Lùng (Vầu) được phục tráng phát triển tốt hơn rất nhiều và bản thân người dân tham gia có thu nhập cao hơn thường gần gấp đôi.

 Bà con tham gia tổ nhóm đan lát tại bản Ngàm với nguyên liệu chính là từ cây Lùng (Vầu) cung cấp cho công ty TNHH ECO BAMBOO Việt Nam (Ảnh: HNV)

Trao đổi với đoàn công tác, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Non Timber Forest Products Research Centre – NTFPRC) trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho hay: Dự án lần này góp phần phát triển sinh kế cho bà con, tăng giá cả cây Lùng (Vầu), tạo thêm thu nhập cho bà con. “Được triển khai từ cuối 2018, dù bị gián đoạn bởi dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn tiến hành nội dung tập huấn, tuyên truyền; hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phục tráng và hỗ trợ nhận cấp chứng chỉ FSC; tập huấn giúp nâng cao tư duy, nhận thức của bà con nông dân và chứng chỉ FSC đã được cấp cho 3.094 ha của 534 hộ dân trên địa bàn. Tham gia vào Dự án, bà con được tập huấn về bước chuẩn bị cho chứng chỉ FSC (nếu doanh nghiệp nào vào thì hỗ trợ xưởng sản xuất sản phẩm thô đáp ứng yêu cầu tiêu chí). Doanh nghiệp trực tiếp thu  mua và chế biến thô tại chỗ, nếu tinh thì về Nhà máy làm…

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng đến từ Công ty TNHH ECO BAMBOO Việt Nam thông tin về 2 cơ sở của công ty đang được đặt tại địa phương gồm đan lát và sơ chế. “Với hai cơ sở này, chúng tôi đã phát triển sinh kế cộng đồng tạo thu nhập thêm trong lúc nông nhàn cho hầu hết người lớn tuổi tại bản vì họ khó đi rừng và hạn chế trong thao tác làm máy móc, tận dụng tối đa nguồn lao động tại chỗ và nguyên liệu tại chỗ. Đồng hành cùng Dự án, ECOBAMBO đã bao tiêu sản phẩm.

“Mục tiêu của công ty là chọn bản Ngàm làm thí điểm, mới đầu chỉ lựa chọn 20 người, sau nhân rộng lên gấp đôi và hơn thế nữa với phương châm “tập huấn một hạt nhân trong gia đình để về đào tạo lại cho cả nhà. Sau đó, nếu thành công thì sẽ nhân rộng ra nhiều bản, nhiều xã cùng toàn huyện” – bà Hồng cho biết.

Giải đáp thắc mắc của đoàn công tác chúng tôi, ông Phan Văn Thắng, Giám đốc NTFPRC đã ví cây Lùng (Vầu) là “nữ hoàng của các loài Tre, Trúc Việt Nam” vì gióng rất dài, sợi lại nhỏ, nếu sơ chế và chế biến tốt thì màu sợi rất trắng, khó có cây nào “đọ” được và khi chế biến tốt thì không sợ mốc. Cây Lùng (Vầu) còn đẹp và mềm mại đồng thời cũng đủ độ cứng để có thể ép làm ván cao cấp, giá trị khá cao.

Say sưa trò chuyện về cây Lùng (Vầu) và mơ ước nhân rộng giống cây giá trị này cho càng nhiều bà con càng tốt, Giám đốc Phan Văn Thắng còn bật mí thêm, hiện, chỉ có NTFPRC là thực hiện thành công nhân từ cây hom đạt tỷ lệ trên 70%, đã triển khai trồng 13ha ở Quan Sơn (Thanh Hóa) và 13ha ở Sơn La. Ngoài ra, cùng với dự án, Viện cũng tiến hành phục tráng rừng Lùng (Vầu) với việc trồng thêm các cây lâm sản ngoài gỗ dưới rừng Lùng như: cây Giổi, cây Sa nhân, cây Ba kích… nâng cao giá trị của rừng và mở rộng thêm sinh kế cho người dân.

“Ngoài ra, ở bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn này, quy hoạch rất thích hợp cho phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, chúng tôi mong muốn thí điểm tốt và đưa địa danh này thành một nơi thu hút, hấp dẫn du khách thập phương trong và ngoài nước đến. Vừa tham quan du lịch, vừa trải nghiệm nghề thủ công đan lát từ sợi Lùng (Vầu) bản địa…”- ông Thắng chia sẻ.

Dịp này, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn vui mừng cho đoàn công tác chúng tôi biết về những thành công ban đầu của Dự án trên địa bàn. Theo đó, 3 xã trực tiếp tham gia dự án là Sơn Điện, Mường Min và thị trấn Sơn Lư đã thành lập 10 tổ nhóm nông dân sản xuất quy mô nhỏ với hơn 300 hộ thành viên; 14 khóa tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để đạt chứng nhận FSC; chăm sóc, phục tráng và khai thác rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho khoảng 500 lượt học viên và các tập huấn viên tổ nhóm, đặc biệt cấp chứng chỉ FSC cho 3.097,48ha rừng Lùng (Vầu)…

Có thể thấy, từ Dự án trên địa bàn, Quan Sơn đã chứng kiến sự thay đổi và phát triển đầy mới mẻ, tròn đó là sự thay đổi nhận thức và tư duy quản lý rừng Lùng (Vầu) theo hướng bền vững, góp phần tăng năng suất và chất lượng rừng, cải thiện tình trạng suy thoái của rừng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, nâng cao thu nhập ổn định cho bà con. Đó cũng là minh chứng thiết thực và đầy sống động cho hiệu quả liên kết 4 nhà: nhà khoa học – nhà nông – chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển rừng bền vững, mở rộng sinh kế cho người dân sinh sống chủ yếu dựa vào rừng./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực