|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Theo kết quả công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính năm 2022, Tổng cục Hải quan dẫn đầu với 93,7/100 điểm. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Dự trữ nhà nước; Tổng cục Thuế; và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tại khối các đơn vị cấp Cục, Cục Quản lý, giám sát kế toán-kiểm toán và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dẫn đầu với điểm thẩm định là 75/80. Các đơn vị đứng vị trí tiếp theo lần lượt là: Cục Tin học và Thống kê tài chính; Cục Kế hoạch - Tài chính và Cục Tài chính doanh nghiệp; Cục Quản lý công sản và Cục Quản lý giá và Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.
Khối các đơn vị cấp Vụ, Vụ Ngân sách nhà nước và Vụ Pháp chế dẫn đầu với điểm thẩm định là 64,6/70. Xếp vị trí tiếp theo lần lượt là: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Hành chính sự nghiệp; Vụ Chính sách thuế; Vụ Đầu tư; Thanh tra Bộ; Vụ Tài chính ngân hàng; Vụ I.
Kết quả này giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Chỉ số CCHC cho thấy, việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo và triển khai công tác CCHC đã được các đơn vị quan tâm thực hiện thường xuyên.
Chỉ số CCHC được coi là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, giúp Lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc theo dõi, đánh giá kết quả CCHC tại các đơn vị được khách quan, công bằng, lượng hóa kết quả triển khai tại từng đơn vị. Qua đó, có giải pháp triển khai công tác CCHC tại các đơn vị hiệu quả hơn.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về kết quả và các nội dung về CCHC tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức trong đơn vị để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ giao; góp phần đôn đốc triển khai, cũng như đánh giá khách quan mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, nhận thức, tinh thần trách nhiệm đối với công tác CCHC.