Bộ Tài chính: Công tác cải cách hành chính ngày càng phát huy hiệu quả

Thứ sáu, 08/07/2022 11:10
(ĐCSVN) - Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính luôn được chú trọng. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: NP) 

Quyết liệt triển khai công tác CCHC

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính được thể hiện trên các mặt công tác gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách công vụ; cải cách tài chính công nội ngành tài chính; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 130/159 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 34 nhiệm vụ, triển khai 58 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 38 nhiệm vụ theo kế hoạch.

Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác CCHC, trọng tâm là công tác cải cách TTHC, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính.

Bộ Tài chính coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm. Việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã đáp ứng yêu cầu tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.

Cùng với đó, công tác cải cách TTHC được Bộ Tài chính đẩy mạnh. Bộ Tài chính xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động TTHC đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan, NSNN; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Trong cải cách TTHC, cụ thể là về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về công tác đánh giá tác động TTHC, luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/6/2022, đã thực hiện đánh giá tác động đối với 8 TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/6/2022, Bộ Tài chính đã ban hành 4 Quyết định công bố bãi bỏ 22 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 TTHC; công bố mới 3 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Theo đó, tính đến 7/6/2022, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 877 TTHC. Trên cơ sở quyết định công bố TTHC, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Cơ chế một cửa ngày càng ổn định và phát huy hiệu quả

Về triển khai cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC, trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả.

Lũy kế từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/6/2022, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 555 hồ sơ TTHC thuộc 5 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, tài chính ngân hàng và giá), trong đó đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 410 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 145 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Cùng với đó, kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp; qua đó, giảm số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội (chi cục trưởng, đội trưởng và tương đương), thay đổi phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành Tài chính.

Về cải cách tài chính công, Bộ Tài chính đã tập trung nguồn lực tài chính nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, đúng với chức năng quản lý nhà nước; sử dụng tập trung nguồn lực cho các ưu tiên chiến lược với chính sách nhất quán, thống nhất và thực tế; nâng cao được tính chủ động, quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách và với vấn đề tài chính; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước, bao gồm hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN và hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách ở các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách.

Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích

Bộ Tài chính cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ. Nhờ đó, chất lượng hiệu quả của các hoạt động tác nghiệp, nghiệp vụ được nâng cao, không còn tình trạng tồn đọng giải quyết hồ sơ, khắc phục hạn chế ở mức thấp nhất những sai sót không đáng có. Thời gian giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được rút ngắn hơn, công khai, minh bạch và luôn đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Vì vậy, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá cao.

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ này là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính đã triển khai là 869, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 92 (tỷ lệ 10,58%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 258 (tỷ lệ 29,7%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 62 (tỷ lệ 7,13%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 457 (tỷ lệ 52,59%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 519 (tỷ lệ 59,72%).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 358/519 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,98% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ).

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực