|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong
Thực hiện quy định của Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) và các văn bản hướng dẫn, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tập trung nguồn nhân lực, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương triển khai và hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN các năm 2018, 2019, 2020 trình Chính phủ trình Quốc hội theo đúng thời gian quy định.
Hiện nay, BCTCNN năm 2021 đang được Kho bạc Nhà nước và các Kho bạc Nhà nước địa phương khẩn trương thực hiện. Để có một bức tranh tài chính tổng thể và đầy đủ hơn, việc cải thiện và nâng cao chất lượng BCTCNN năm 2021 là nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho Kho bạc Nhà nước lúc này và lời giải đầu tiên cho bài toán chính là nâng cao chất lượng ngay từ các thông tin và dữ liệu đầu vào của báo cáo. Kho bạc Nhà nước cũng đang tiếp tục mở rộng kênh thông tin để trao đổi giữa Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước địa phương, ban hành hướng dẫn lập BCTCNN; đề ra định hướng cụ thể để nâng cao một bước về chất lượng thông tin tài chính, mở rộng phạm vi đối tượng đề cập trong BCTCNN năm 2021, tạo sự khác biệt hơn so với BCTCNN các năm 2018, 2019 và 2020.
Kho bạc Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập BCTCNN. Cụ thể, các đơn vị Kho bạc Nhà nước ưu tiên lựa chọn những công chức có năng lực, kinh nghiệm để rà soát, lập BCTCNN; tăng cường trao đổi, nhận diện những tồn tại, hạn chế, kịp thời báo cáo Kho bạc Nhà nước để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo đánh giá của Cục Kế toán Nhà nước (Kho bạc Nhà nước), sau 3 năm thực hiện lập BCTCNN, các cơ quan, đơn vị liên quan đã phần nào nhận thức được trách nhiệm và tích cực, chủ động trong việc lập, gửi BCTCNN. Các cấp lãnh đạo, tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với Việt Nam trong quá trình lập BCTCNN, từ đó đã có những chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp Việt Nam bớt được nhiều khó khăn trong việc lập BCTCNN.
Cũng theo Cục Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế hiện nay của công tác lập BCTCNN khi chưa tổng hợp được đầy đủ thông tin về một số tài sản nhà nước, chưa đi sâu phân tích đa chiều các thông tin trên báo cáo, số liệu thông tin đầu vào nhiều khi còn chưa chính xác… Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại này xuất phát từ khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp thông tin số liệu về tài sản kết cấu hạ tầng, trách nhiệm về tính chính xác trong việc cung cấp thông tin báo cáo tài chính của các đơn vị; các vướng mắc trong quy định, chế tài để ràng buộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp thông tin, số liệu chính xác cho Kho bạc Nhà nước…
Chính vì vậy, Kho bạc Nhà nước đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị trong khu vực nhà nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán thông qua việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, tuyển dụng, sắp xếp, bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc. Có như thế, chất lượng báo cáo tài chính, báo cáo tài chính tổng hợp mới chính xác để góp phần tạo nên một BCTCNN đầy đủ các thông tin, dữ liệu phản ánh chính xác nền tài chính, giúp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các địa phương ngày càng hiệu quả.
Từng bước nâng cao chất lượng công tác rà soát, kiểm tra báo cáo đầu vào
Trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, Kho bạc Nhà nước đã xác định một số mục tiêu, trong đó, BCTCNN phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính – ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và người dân, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Rút ngắn thời gian lập và đệ trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và BCTCNN; đến năm 2030, thời gian lập và đệ trình 2 báo cáo này tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân sách.
Để hoàn thành mục tiêu trên, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đang tích cực, chủ động nghiên cứu các chế độ kế toán áp dụng trong khu vực nhà nước để từng bước nâng cao chất lượng công tác rà soát, kiểm tra báo cáo đầu vào, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính tổng hợp; ưu tiên bố trí nguồn nhân lực tham gia tổng hợp, lập BCTCNN tỉnh, báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Giải pháp trước mắt được Kho bạc Nhà nước đưa ra để cải thiện chất lượng BCTCNN là ưu tiên hoàn thiện các mẫu biểu báo cáo đầu vào phù hợp với khung pháp lý hiện hành; đẩy mạnh tự động hóa, giảm thiểu thao tác nhập thủ công trên hệ thống; thiết lập chức năng khai thác, phân tích thông tin báo cáo theo nhiều chiều, đảm bảo tính ổn định và thân thiện với người dùng. Về dài hạn, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống theo hướng kết nối giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.