Cần làm gì để thu hút khách quốc tế?

Thứ ba, 12/07/2022 14:58
(ĐCSVN) – 6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam phục hồi ấn tượng, tăng trưởng 582,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 6/2022, Việt Nam đón 236,6 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 3.182,8% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022 đón 602 nghìn lượt, tăng 582,2% so với cùng kỳ 2021.

Thị trường lớn nhất là Hàn Quốc, đạt 107,9 nghìn lượt, tăng 487,8% so với cùng kỳ. Xếp thứ 2 là thị trường Mỹ đạt 68,1 nghìn lượt, tăng 4.151,4%. Trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu, khu vực Đông Bắc Á có 4 thị trường, ngoài Hàn Quốc còn có Nhật Bản đang tăng mạnh 493,7%, đạt 28,2 nghìn lượt; Trung Quốc chỉ tăng 15,1%, đạt 42,2 nghìn lượt.

Khách Hàn Quốc du lịch Việt Nam nhiều nhất. (Ảnh minh họa: HT)

Khu vực Đông Nam Á cũng có 4 thị trường lọt vào top 10 và đang phục hồi rất nhanh. Campuchia đạt 35,9 nghìn lượt, tăng 12.100%, Singapore: 33,7 nghìn lượt (+7.925%), Malaisia: 22,3 nghìn lượt (+3.178,4%), Thái Lan: 22,0 nghìn lượt (+1.430,3%).  Thị trường Úc xếp thứ 6, đạt 28,4 nghìn lượt, tăng 5.050%.

Cùng với đó, sau 3 tháng Việt Nam chính thức mở cửa lại du lịch, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 6/2022 tăng 1.125% so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường nguồn tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm Mỹ, Singapore, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Đức, Canada, Anh,...  Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Quy Nhơn,...

Mặc dù lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam và lượng khách quốc tế đến Việt Nam có tăng, nhưng con số này vẫn giảm tới 93% so với cùng kỳ năm 2019, lúc chưa xảy ra dịch COVID-19. Nguyên nhân được cho là do dịch COVID-19 đã khiến du khách hình thành tâm lý e ngại đi du lịch ngoài biên giới. Ngoài ra, vật giá leo thang, lạm phát bao trùm trên thế giới ảnh hưởng đến tình hình tài chính của du khách, khiến nhu cầu đi du lịch bị kiềm chế.

Một nguyên nhân nữa khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều là do thời điểm này chưa vào mùa đón khách quốc tế. Thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam rơi vào giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… có đặc thù lên kế hoạch chuẩn bị trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa nên du khách sẽ cần thời gian theo dõi.

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp lữ hành.

Một số doanh nghiệp cho rằng, khi đón khách quốc tế, doanh nghiệp của họ thường mắc phải một số khó khăn như visa ngắn ngày (hiện đang là 15 ngày, nhưng thực tế, nhiều đoàn khách muốn lưu trú ở Việt Nam lâu hơn), thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách du lịch quốc tế còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp du lịch mong muốn thời gian tới Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày, thay bằng 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan…; kéo dài miễn thị thực cho thị trường châu Âu, miễn visa cho các nước: Australia, NewZealand, Canada, tạo thuận lợi lấy visa Mỹ, Bắc Mỹ. Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục.

Bên cạnh đó, cần tăng cường khai thác thêm các đường bay mới, khôi phục đường bay đã có, tăng tần suất chuyến bay tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường không. Giảm giá vé các phương tiện di chuyển đường bộ, đường sắt, đặc biệt là hàng không trong nước và quốc tế.

Hiện tại, một số quốc gia là thị trường nguồn khách lớn như Trung Quốc vẫn đang đóng cửa, hay Hàn Quốc, Nhật Bản còn áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, test COVID-19 phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phục hồi du lịch quốc tế. Vì thế trước mắt, Việt Nam cần tích cực quảng bá thông tin Việt Nam đã mở cửa thông qua hình thức trực tuyến/trực tiếp và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón lượng lớn khách từ 3 nước Đông Bắc Á khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và khách Hàn Quốc, Nhật Bản sẵn sàng đi du lịch.

Theo các nhà quản lý, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của từ Nhà nước, còn đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách.

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực