Theo ông Hoàng Văn Huây, điều này có nghĩa là công nghệ blockchain còn rất mới mẻ, sự hiểu biết của cộng đồng về công nghệ này có thể vẫn còn hạn chế, thậm chí còn phiến diện. Do đó, để công nghệ blockchain trở thành một công nghệ trụ cột góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 của thời đại, Việt Nam cần nhanh chóng phổ cập kiến thức và ứng dụng công nghệ blockchain trong mọi ngành kinh tế, kỹ thuật và quản lý xã hội.
Để đóng góp vào tiến trình này, Hiệp hội blockchain Việt Nam đã và đang cùng các ngành, các cấp phấn đấu để thực hiện một cách hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
|
Ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy ứng dụng blockchain trong giáo dục - một trong nhiều hoạt động Hiệp hội đang tích cực thúc đẩy (Ảnh: PV) |
Hiện nay, trên thế giới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của công nghệ blockchain đã được khẳng định khi tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của ngành công nghệ blockchain mạnh mẽ hơn bất kỳ công nghệ nào trước đây, đạt mức 87%/năm, tức là quy mô thị trường tăng gần tăng gấp đôi sau mỗi 1 năm và mức tăng nhanh chóng này được duy trì trong vòng gần 1 thập kỷ (mà cụ thể là tới năm 2030). Tổng tài sản mã hóa sẽ đạt mốc 16.000 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 10% tổng GDP của tất cả các quốc gia toàn cầu, theo báo cáo của BCG (Boston Consultant Group). Nếu coi đây là 1 nền kinh tế thì nền kinh tế này có thể đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và tương đương quy mô của nhiều cường quốc khác như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Pháp cộng lại. Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng của blockchain vào các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ sẵn có hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới vô cùng linh hoạt, giá trị cao, vượt trội hơn hẳn so với các công nghệ khác từ trước tới nay.
Tuy nhiên, cũng vì sự mới mẻ về công nghệ then chốt này mà vẫn còn hạn chế nhất định về kiến thức cũng như ứng dụng công nghệ trong thực tế.
Thực tế đã chứng minh những ưu điểm tích cực, các tính năng vượt trội không thể phủ nhận của blockchain và vai trò của công nghệ blockchain trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để đưa nền kinh tế Việt Nam tăng tốc và bứt phá vượt trội trong tương lai gần, giúp xóa đi những khoảng cách về kinh tế - khoa học giữa Việt Nam với các nền kinh tế dẫn đầu. Hơn nữa, những vấn đề rủi ro và quản trị rủi ro trong ứng dụng blockchain cũng được đề xuất một cách chi tiết để các tổ chức, cá nhân hiểu đúng và đầy đủ về công nghệ blockchain nhằm đạt được các lợi ích như mong muốn, tránh được các rủi ro về chi phí đầu tư, vận hành không đáng có, nhất là tránh được các bẫy truyền thông vượt quá sự thật về công nghệ blockchain hay những công nghệ tương tự như AI, AR/VR, NFT, NFC..
|
Sự kiện khai trương Văn phòng Hiệp hội tại Hà Nội, điểm gặp gỡ, trao đổi thông tin và kết nối các hội viên, đối tác trong và ngoài nước (Ảnh: PV) |
Cũng theo ông Hoàng Văn Huây, tất cả những phân tích trên cũng chính là nhiệm vụ mà Hiệp hội blockchain Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Mới đây, chiều 30/10, tại Hà Nội Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã khai trương văn phòng đại diện Hà Nội hứa hẹn trở thành điểm gặp gỡ, trao đổi thông tin và kết nối các hội viên, đối tác trong và ngoài nước.
Nhân dịp khai trương, Chủ tịch Hiệp hội cho biết việc khai trương văn phòng là một trong những nỗ lực của Hiệp hội nhằm tạo thêm cơ hội cho các thành viên, đối tác của VBA có thể gặp gỡ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và tìm kiếm các khả năng hợp tác cùng nhau trong tương lai.
Đồng quan điểm này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cũng nhấn mạnh không chỉ các hội viên mà các đối tác của Hiệp hội cũng có thể thường xuyên ghé thăm và lựa chọn Văn phòng VBA Hà Nội như một điểm hội thảo, tập huấn với các chủ đề về blockchain nói riêng và các chủ đề công nghệ - kinh tế - xã hội nói chung.
Vừa qua, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã liên tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, góp ý chính sách cho các cơ quan nhà nước thông qua nhiều hội thảo chuyên đề như Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số” và các vấn đề pháp lý dành cho các nhà Lập pháp thuộc Ủy Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng như các Ủy ban khác và đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh tại Trụ sở làm việc các Cơ quan Quốc hội ngày 29/9. Trước đó, Hiệp hội Blockchain cũng đã tổ chức “Quy định về Phòng chống Rửa tiền và Vai trò của Phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền điện tử” tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trụ sở chính Hà Nội (20/9), Chi nhánh TP. HCM (22/9) và trực tuyến tại các Ngân hàng Nhà nước 61 tỉnh thành. Nhiều hội thảo chuyên đề, các chương trình khác cũng đã được Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức và tham dự liên tục.
Thành lập tháng 5/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam là nơi hội tụ của những người quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hoá và khuyến khích ứng dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Đồng thời, đây là tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên đại diện cho những người quan tâm tới ngành công nghiệp Blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam. |