Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ diễn ra ngày 11/10 tại Đà Nẵng, Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Hội đồng điều phối Vùng và cơ quan lập quy hoạch vùng.
|
Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về quá trình lập quy hoạch vùng tại Hội nghị (Ảnh: MPI) |
Báo cáo về quá trình lập quy hoạch vùng, Bộ trưởng thông tin thêm, quy hoạch vùng được xây dựng nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Hiện nay, đã có 86/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được thẩm định xong, trong đó có 16 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt).
Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các Hội nghị giữa đơn vị tư vấn với các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với một số địa phương trong vùng; làm việc với các đơn vị quản lý chuyên môn của các Bộ, ngành.
Trước đó, từ ngày 18/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ngành Trung ương, 14 địa phương trong vùng và 09 địa phương liền kề nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và đáp ứng yêu cầu quản lý của các ngành. Do đó, theo Bộ trưởng, Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng lần này là bước tiếp theo rất quan trọng, để lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cho ý kiến trực tiếp về các nội dung chủ yếu của quy hoạch vùng, là cơ sở để đơn vị tư vấn tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quy hoạch vùng.
Để bảo đảm Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trường đề nghị tập trung vào các nội dung:
Thứ nhất, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần phải giải quyết và các khâu đột phá của vùng;
Thứ hai, xác định hệ thống các cực tăng trưởng, vùng động lực, hành lang kinh tế, những ngành có lợi thế của vùng; việc xác định các ngành ưu tiên, có lợi thế của Vùng; định hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển các ngành có lợi thế của vùng, bao gồm định hướng về phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển với trọng tâm là liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển;
Thứ ba, thực hiện Nghị quyết số 26, Quy hoạch vùng đã nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ, cụ thể như sau:
Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Thứ tư, đánh giá về phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải...; các đề xuất về phát triển khu chức năng trong vùng như hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu du lịch…
Thứ năm, đề xuất về phương hướng phát triển đô thị với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá, hình thành ba tiểu vùng đô thị và định hướng phát triển thêm 02 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (Thừa Thiên Huế và Khánh Hoà);
Thứ sáu, kiến nghị về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý về danh mục dự án liên kết vùng và liên kết liên vùng ưu tiên đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng để tạo hiệu quả trong hợp tác phát triển vùng.
Dịp này, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ sẽ nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến với tinh thần cầu thị cao nhất để sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng, trình Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.