|
Đảm bảo diện tích và sản lượng tôm nuôi trong quý IV/2023 (Ảnh minh họa: Phương Nghi) |
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 8 tháng năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 715 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tôm nước lợ 657,7 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 63,9% kế hoạch.
Theo đánh giá của Cục Thủy sản, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tôm chân trắng loại 50 con/kg của Việt Nam nuôi tối thiểu khoảng 90.000 đồng. So sánh với Ấn Độ, đắt hơn khoảng 20.000-22.000 đồng, còn so với Ecuador, đắt hơn khoảng 30.000 – 33.000 đồng.
Nguyên nhân do chi phí thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện). Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao,…
Cục Thủy sản cho biết, kế hoạch năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ từ 260.000-270.000 con. Diện tích thả tôm nước lợ 750.000 ha (tôm sú 610.000ha, tôm thẻ 120.000ha và tôm khác). Sản lượng tôm các loại khoảng 1.030 nghìn tấn. Trong đó, tôm sú 280 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn.
Để đạt được mục tiêu trên, chỉ tiêu quý IV năm 2023, cần duy trì diện tích hiện có, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch, đặc biệt là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (mới thả được 70/120 nghìn ha). Phấn đấu sản lượng tôm nước lợ 372,5 nghìn tấn (tôm sú 120,5 nghìn tấn; tôm chân trắng 252 nghìn tấn).
Để đảm bảo mục tiêu về diện tích và sản lượng, Cục Thủy sản cho biết, trong thời gian tới, sẽ nắm bắt tình hình về khả năng sản xuất cung ứng từ các địa phương và các cơ sở nuôi. Đồng thời, kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó thực hiện dự báo sớm để giảm thiệt hại.
Bên cạnh đó, hạ giá thành trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể như: cải tiến công nghệ, kỹ thuật nuôi, nâng tỷ lệ sống của tôm nuôi; tổ chức liên kết sản xuất, giảm khâu trung gian; khuyến khích ứng dụng nuôi có chứng nhận chất lượng (ASC, BAP, hữu cơ). Quản lý điều kiện cơ sở sản xuất ương dưỡng giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường, đăng ký cơ sở nuôi; quản lý an toàn thực phẩm (sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm), truy xuất nguồn gốc nuôi trồng thủy sản.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương chủ động nắm diễn biến giá tôm, khả năng sản xuất cung ứng của địa phương để thông tin triển khai sản xuất. Khuyến cáo duy trì thả nuôi, bổ sung diện tích mới phù hợp với điều kiện hạ tầng, chất lượng con giống, thức ăn, quy trình nuôi, môi trường, năng lực quản lý để tăng tỷ lệ sống và kích thước tôm thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng năng suất, giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết chặt chẽ với cơ sở nuôi; có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, trong đó có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng giám sát quá trình sản xuất. Vận động doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện cam kết hợp đồng với người nuôi trồng thủy sản về kế hoạch sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới, đảm bảo kế hoạch, chủ động sản xuất để tận dụng cơ hội thị trường hồi phục./.