Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu tại “Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên”. Hội nghị diễn ra tại Đắk Lắk ngày 1/7 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MPI) |
Theo Bộ trưởng, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương; đất rộng, người thưa, tiềm năng lớn, với diện tích 54.508 km2 (16,5% diện tích cả nước), dân số trên 5,9 triệu người (chiếm 5,1% dân số cả nước).
Với vị trí là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần định hình lại, làm sâu sắc hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng Tây Nguyên, đề xuất được các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, trong đó làm rõ việc giải quyết các vấn đề nổi lên của Vùng như tập trung khôi phục và phát triển kinh tế rừng; bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn, đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước; giải quyết tình trạng đói nghèo, thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số của vùng; giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do; thúc đẩy việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc của Vùng.
|
Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước (Ảnh: HNV) |
Cũng theo Bộ trưởng, để hỗ trợ vùng Tây Nguyên vượt qua những khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 10 ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 với mục tiêu “Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết một lòng cùng với cả nước xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa – xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh; tiến tới xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực”.
Kết quả đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 cho thấy, tuy đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, nhưng phát triển của Vùng vẫn còn tồn tại nhiều nhiều hạn chế, yếu kém. Do vậy, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 12 ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, trong đó khẳng định “Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ kịp thời các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước”.
Thực tiễn, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong Vùng, Vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh…/.