Đối thoại Doanh nghiệp New Zealand - Việt Nam

Thứ tư, 16/11/2022 16:37
(ĐCSVN) – Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 15/11, Đại sứ quán New Zealand, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương đã đồng tổ chức Đối thoại Doanh nghiệp New Zealand - Việt Nam.
Hình ảnh tại sự kiện đối thoại Doanh nghiệp New Zealand - Việt Nam  (Ảnh: BCT)

Sự kiện do Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tham dự và phát biểu khai mạc sự kiện.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, nền kinh tế New Zealand - Việt Nam có tính bổ trợ cho nhau với những sản phẩm rất phù hợp về sữa, gỗ, trang thiết bị khác trong lĩnh vực thực phẩm... Bên cạnh đó,Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh, việc nền kinh tế 2 nước New Zealand - Việt Nam được kết nối bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thời gian qua, 2 nước đã triển khai hiệp định này rất hiệu quả. Hiệp định CPTPP cũng đóng vai trò rất quan trong trong thúc đẩy thương mại giữa 2 nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quan hệ đối tác giữa 2 quốc gia.

Thủ tướng sẵn sàng tiếp tục cùng Việt Nam chung tay thúc đẩy tăng trưởng và trở thành những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Đồng thời Thủ tướng cũng rất lạc quan về quan hệ sâu sắc giữa 2 quốc gia Việt Nam - New Zealand.

Tại sự kiện ngày hôm nay có rất nhiều doanh nghiệp của 2 quốc gia Việt Nam - New Zealand, Thủ tướng kỳ vọng đây sẽ là cơ hội tiếp nối các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đồ uống, giáo dục, chăm sóc y tế, công nghệ, môi trường… Đây sẽ là những lĩnh vực hợp tác tuyệt vời giữa 2 quốc gia. Và New Zealand rất sẵn sàng chia sẻ thông tin hợp tác để chúng ta cùng đạt tới những mục tiêu chung.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, sự hiện diện của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại sự kiện này cho thấy: thương mại và đầu tư luôn là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên, quan trọng và còn nhiều tiềm năng chưa khai thác trong tổng thể mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand. Điều này cũng giải thích vì sao quy mô thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 10 năm và vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh kinh tế, thương mại của khu vực và toàn cầu liên tục phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và bất ổn của địa - chính trị - kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam rất vui mừng được chứng kiến và xin chúc mừng New Zealand đã và đang khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực; là thành viên tích cực, có tiếng nói quan trọng trong nhiều tổ chức quốc tế và các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương, như CPTPP, AANZFTA, RCEP, APEC và WTO. Đáng chú ý, New Zealand là một trong số ít nền kinh tế phát triển ở khu vực và trên thế giới duy trì mức tăng trưởng tích cực (đạt 4,6% trong năm 2021) dù đã phải triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

Về phần mình, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hiện cũng đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 400 tỷ USD. GDP 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 8,83%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của hơn 10 năm gần đây. Nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, ADB, IMF đều liên tục điều chỉnh nâng mức dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, lên mức trên 7%.

Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế khi đạt gần 670 tỷ USD trong năm 2021. Xu thế tích cực này tiếp tục được duy trì trong 10 tháng năm 2022 với mức tăng trưởng ngoại thương trên 14%, đạt 616 tỷ USD, dự kiến cả năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 750 - 800 tỷ USD.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, với sự hiện diện của gần 36.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 435 tỷ USD đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với kết quả đó, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, những thành tựu đạt được nêu trên của 2 nền kinh tế là đáng ghi nhận và tự hào, tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó dự báo: Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ đứt gãy; khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; nguy cơ suy thoái kinh tế đã hiện hữu tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi đó, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục diễn biến phức tạp; căng thẳng địa - chính trị - kinh tế, xung đột quân sự không ngừng gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu lan rộng với mức độ ngày càng nghiêm trọng... Những yếu tố trên đã và đang tác động đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới và đòi hỏi những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và New Zealand cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.

Về thương mại, hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, trước mắt là hướng tới cột mốc 2 tỷ USD vào năm 2024. Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và New Zealand có tính bổ trợ cho nhau, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp và cán cân thương mại luôn được duy trì ở mức cân bằng. Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, tránh phụ thuộc vào 01 đối tác, đặc biệt là những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: May mặc, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ sản... của Việt Nam hay sữa, gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may và da giầy... của New Zealand.

Việc RCEP được ký kết và đi vào thực thi cho phép cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ nội khối đã mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, thiết lập chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa để xuất khẩu vào khu vực thị trường có quy mô dân số lớn nhất thế giới với khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor đã có những chia sẻ về vai trò của hội nhập quốc tế và FTAs trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - New Zealand.

Trong khuôn khổ sự kiện, các doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand và Việt Nam đã có những bài phát biểu về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, dệt may, thực phẩm và đồ uống giữa New Zealand và Việt Nam, với mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 2 tỉ USD vào năm 2024.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern diễn ra trong bối cảnh Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand phát triển tốt đẹp và hiệu quả.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam là đối tác lớn thứ 16 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2021 đạt xấp xỉ 1,3 tỉ USD, tăng 26,7% so với năm 2020. 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hai bên đã tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế - Thương mại Việt Nam - New Zealand theo hình thức trực tuyến (tháng 10/2020).

Về đầu tư, tính đến tháng 10.2022, New Zealand có 49 dự án đầu tư với tổng số vốn 210,18 triệu USD, đứng thứ 39/139 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký 38,4 triệu USD.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực