Đông Anh đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP

Thứ hai, 18/11/2019 16:39
(ĐCSVN) - Đến nay, trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) đã có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2020. Và, Đông Anh cũng là huyện đầu tiên trên địa bàn Thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
leftcenterrightdel
Đánh giá sản phẩm OCOP của Đông Anh (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, phát triển Chương trình OCOP có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực; gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị; và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, thời gian qua, Đông Anh đã tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình theo tinh thần Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020.

Theo đó, UBND Huyện đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2/8/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm huyện Đông Anh đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có từ 30-40 sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ uống, du lịch,… Đây là những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu.

Để thực hiện mục tiêu trên, tháng 8/2019, UBND Huyện đã tổ chức trưng bày 20 gian hàng giới thiệu 200 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP của Huyện nhân dịp Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đông Anh. Đồng thời, UBND Huyện cũng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị về triển khai tổ chức Chương trình OCOP; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện xây dựng xong kế hoạch triển khai Chương trình; tổng hợp đăng ký của các chủ thể tham gia Chương trình;… Đến nay, trên địa bàn Huyện đã có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP huyện Đông Anh đến năm 2020.

Để Chương trình được triển khai bền vững, Đông Anh cũng tổ chức hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự chương trình; chỉ đạo tổ chức khảo sát, hướng dẫn trực tiếp tại các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn, đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 20 sản phẩm thuộc 3 nhóm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ. Theo đó, ngày 14/11 vừa qua, UBND Huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 20 sản phẩm này; và Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Qua hoạt động này cho thấy, trong thực tế, các cơ sở sản xuất và các sản phẩm tham gia Chương trình năm 2019 còn ít so với tiềm năng của các xã, thị trấn. Các sản phẩm tham gia Chương trình chưa đa dạng. Còn nhiều cơ sở sản xuất thiếu kế hoạch bảo vệ, đánh giá tác động môi trường; mẫu mã bao bì một số sản phẩm ở mức độ thô sơ, đơn giản, thiếu tính đặc sắc. Đa số các sản phẩm thường sử dụng kênh bán hàng truyền thống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tập trung trong Thành phố, chưa chú trọng đến hệ thống phân phối và ít quan tâm đến hoạt động quảng bá; nhiều cơ sở sản xuất chưa có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, chưa ghi hồ sơ lô sản xuất,… Công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình OCOP tại xã, thị trấn chưa thực sự sâu rộng. Sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan chưa đồng bộ. Quy mô sản xuất của các cơ sở sản xuất chủ yếu còn nhỏ lẻ, kiến thức về kinh doanh, tiếp cận thị trường còn yếu.

Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển trong thời gian tới, Đông Anh xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2020 trên địa bàn huyện có từ 40-45 sản phẩm được Thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Tiếp tục triển khai rà soát các tổ chức kinh tế, các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia, hoàn thiện; ưu tiên việc nâng cấp, phát triển các sản phẩm đã được công nhận. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố. Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các siêu thị, trung tâm thương mại, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất; sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tăng cường công tác quản lý chất lượng theo hệ thống truy xuất, các tiêu chí, tiêu chuẩn của các ngành, các lĩnh vực.  

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực