Đồng Nai: Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tạo thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Thứ hai, 15/05/2023 11:21
(ĐCSVN) - Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm hỗ trợ cho công tác kiểm soát dịch bệnh, củng cố mạng lưới thú y, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
 Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tạo thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (Ảnh minh họa: B.T)

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, ngành chăn nuôi của tỉnh chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp (61,83%), với 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai có khoảng 2,066 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn với 1.198 trang trại; chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 10% tổng đàn với 6.285 hộ.

Bên cạnh đó, tổng đàn gà khoảng 23,404 triệu con, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 360 trang trại; chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9% tổng đàn với 18.305 hộ. Các loại vật nuôi khác như: đàn trâu, bò khoảng 91,642 nghìn con; khoảng 2,3 triệu con thủy cầm,…

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín có nhiều chuyển biến tích cực là những điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 vùng được công nhận vùng an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle gồm: Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành và TP. Long Khánh (2 vùng Thống Nhất và Trảng Bom hết hiệu lực vào tháng 5/2022). Bên cạnh đó, 11 xã được chứng nhận an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 655 trang trại chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó có 403 trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn hiệu lực gồm 167 trại gà, 31 trại vịt, 5 trại bò và 200 trại heo),…  

Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đã hỗ trợ cho công tác kiểm soát dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, củng cố mạng lưới thú y, đồng thời hỗ trợ các chuỗi cung ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Chăn nuôi gà quy mô nông hộ tuy chiếm tỷ lệ tổng đàn thấp (dưới 10%) nhưng với hơn 18.000 hộ, các hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh nên các ổ dịch lẻ tẻ vẫn xảy ra. Năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm tại địa bàn các huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu ảnh hưởng tới công tác duy trì vùng an toàn dịch bệnh.

Trong khi đó, giá cả sản phẩm đầu ra không ổn định, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là trong nước do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực tế quyền của cơ sở an toàn dịch bệnh chưa có nhiều khác biệt so với cơ sở chưa an toàn dịch bệnh nên chưa khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng, duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tiến tới hình thành các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và hướng dẫn chuyên môn để có căn cứ xây dựng kế hoạch vùng an toàn dịch bệnh chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Bên cạnh đó, để thuận lợi trong việc xác định và trong công tác triển khai các nội dung của vùng đệm, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai kiến nghị xác định vùng đệm, hướng dẫn cụ thể giám sát dịch bệnh ở một số vùng đệm trên địa bàn tỉnh,.../.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực