Dự báo xuất khẩu rau quả duy trì tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm

Thứ năm, 20/07/2023 14:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng cuối năm, dự báo xuất khẩu rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu các doanh nghiệp chú trọng chất lượng, cải tiến về mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường.
 Dự báo xuất khẩu rau quả duy trì tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm (Ảnh minh họa: B.T)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh suy giảm xuất khẩu nhóm lâm sản, thủy sản so với cùng kỳ năm 2022, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khi một số quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu lương thực phục vụ cho nhu cầu dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực. Xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng trưởng tương ứng 34,7%; 64,2%, 7,7%, 3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, gạo và rau quả gia tăng đột biến.

Cụ thể, rau quả là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 với giá trị đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu 63,5% với mức tăng trưởng trên 80% trong 6 tháng đầu năm; thị trường mở cửa trở lại sau dịch là lợi thế lớn đối với xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Trong 6 tháng cuối năm, dự báo xuất khẩu rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu các doanh nghiệp chú trọng chất lượng, cải tiến về mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường.

Về xuất khẩu gạo, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.  Dự báo xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn. Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá chung là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Đối với cà phê, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 2,41 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu cà phê thời gian tới sẽ giảm đáng kể về lượng nhưng giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung suy giảm khi diện tích giảm.

Về hạt điều, giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,63 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, ngành điều Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ nền kinh tế, chính trị quốc tế, biến động tỷ giá, tiêu dùng giảm, chi phí chế biến tăng. Dự báo nhu cầu tiêu thụ điều vẫn chậm và giá bán khó tăng.

Đối với hồ tiêu, giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 498 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hồ tiêu dự báo tiếp tục khó khăn do các thị trường lớn phục hồi chậm, lượng hàng tồn từ năm trước cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu giảm bớt thu mua hạt tiêu từ Việt Nam.

Ngoài ra, với thủy sản, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ. Dự báo từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm. Tồn kho tại các thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU và lượng hàng giá rẻ của các nước khác như: Ecuador và Ấn Độ sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm.

Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,01 tỷ USD, giảm 28,8%. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm còn gặp nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tại thị trường Hoa Kỳ thấp, EU áp dụng nhiều luật mới liên quan đến nạn phá rừng, trong đó có mặt hàng gỗ,…/.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực