Du lịch ra nước ngoài tại Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Thứ năm, 29/12/2022 14:32
(ĐCSVN) - Thị trường du lịch nước ngoài (outbound) tại Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhanh hơn dự kiến.

Báo cáo tóm tắt về “Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam 2022” được Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du lịch và khách sạn Outbox (Outbox Company) công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy, du lịch outbound tại Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự báo trước đó. Thậm chí, dù bị gián đoạn bởi đại dịch, nhu cầu kết nối lại của du khách Việt với thị trường du lịch nước ngoài không vì thế giảm đi mà hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn hậu COVID-19.

Càng về cuối năm, các tuyến outbound (đưa khách ra nước ngoài) càng dần chiếm ưu thế.
(Ảnh: Flamingo Redtours) 

Theo khảo sát, có 69,25% khách outbound Việt được khảo sát coi việc du lịch nước ngoài là sở thích và hoạt động thường xuyên. 57% khách outbound Việt cho biết họ phải đi du lịch sau thời gian bị kìm hãm vì giãn cách quá lâu.

Bên cạnh đó, các dữ liệu đo lường mức độ hào hứng trở lại du lịch của người Việt thông qua mô hình Vietnam Travel Tracker do Outbox thực hiện đã chỉ ra rằng mức độ lo lắng về sự an toàn của điểm đến đã giảm dần theo thời gian.

Cụ thể, tháng 10/2021, chỉ số này là 8,21 điểm (trên thang điểm 10) và chỉ sau 1 tháng, mức độ quan tâm tới sự an toàn đã giảm xuống còn 7,85 điểm và đạt 6,15 điểm vào tháng 5/2022.

Mùa hè vẫn luôn là giai đoạn sôi động dành cho du lịch nước ngoài đối với khách Việt. Thị trường du lịch outbound Việt Nam đã có những bước nhảy vọt trong mùa cao điểm hè 2022, trải dài từ tháng 4 tới cuối tháng 8, trong đó, giai đoạn đỉnh điểm là tháng 6.

Có 3 yếu tố chính tác động tới quyết định lựa chọn điểm đến ở nước ngoài của du khách Việt, đó là: Chi phí cho chuyến đi (49,6%), thông tin sẵn có về sự an toàn của điểm đến (44,6%) và sự phù hợp của điểm đến với sở thích cá nhân (41,8%).

Đặc biệt, có tới 65% khách outbound Việt Nam chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi nước ngoài vào năm 2022 so với một chuyến đi tương tự trước đại dịch.

Những hạn chế đi lại không chắc chắn và thay đổi nhanh chóng cũng dẫn đến sự thay đổi trong thói quen lập kế hoạch và đặt chỗ của khách du lịch.

2/3 khách outbound Việt Nam được hỏi có xu hướng vạch kế hoạch cho chuyến đi trong khoảng thời gian dưới một tháng trước khi khởi hành và ngày càng có xu hướng đặt vé linh hoạt. Ngược lại, trong giai đoạn trước dịch, chỉ có chưa đến 29,3% du khách Việt thực hiện việc lập kế hoạch chuyến đi trong khoảng thời gian dưới 1 tháng trước ngày khởi hành.

Theo truyền thống, tham quan các danh thắng nổi tiếng tại các điểm đến vẫn là hoạt động chính của du khách Việt khi ra nước ngoài với 72,9% số người được hỏi lựa chọn trải nghiệm này. Tiếp theo là khám phá ẩm thực địa phương và mua sắm.

Bà Vũ Bích Huệ, phụ trách truyền thông Flamingo Redtours cho biết, càng về cuối năm, các tuyến outbound (đưa khách ra nước ngoài) càng dần chiếm ưu thế. Đơn cử tại Flamingo Redtours, chỉ tính riêng trong tháng 11 - 12 đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 50 đoàn Mice, dao động từ 30 – 200 khách/1 đoàn như 70 khách công ty May Hà Phương đi tour Pháp – Tây Ban Nha; 150 khách công ty thép Việt Úc đi tour Dubai; 50 khách công ty Thiết bị điện đi Úc; 130 khách đi Nhật Bản; 100 khách đi Đài Loan… “Mặc dù con số này vẫn còn khiêm tốn so với các năm 2019 trở về trước nhưng đó là một tín hiệu tích cực cho thấy du lịch outbound đang trên đà phục hồi và lấy lại vị thế như nó vốn có” – bà Vũ Bích Huệ cho biết.

Không chỉ dịch chuyển từ trong nước sang quốc tế, xu hướng du lịch Mice có sự thay đổi nhất định. Mức chi trả cao hơn, trung bình từ 15.000.000 đồng – 90.000.000 đồng/1 người; Chất lượng dịch vụ cao cấp hơn 4– 5 sao; Quy mô đoàn không quá lớn để được trải nghiệm chuyên sâu. Thay vì chỉ tập trung tuyến Đông Nam Á như trước đây, doanh nghiệp hướng đến lựa chọn Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Úc, Châu Âu…- Những nước có nền kinh tế phát triển, sở hữu nhiều thương hiệu, tập đoàn lớn trên toàn cầu. Sở dĩ lại có sự điều chỉnh như vậy bởi những khó khăn do dịch covid khiến cho doanh nghiệp thực tế hơn. Họ coi đây không phải là chuyến tham quan đơn thuần mà là hoạt động tập thể để tăng tính gắn kết trong công ty; Vinh danh đại lý, cá nhân xuất sắc; Hiện thực hóa kế hoạch dang dở sau 2 năm dịch; Là cơ hội học hỏi mô hình kinh doanh hiệu quả, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Là doanh nghiệp có thế mạnh du lịch outbound, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel cho hay, thị trường du lịch nước ngoài có sự phân hóa rõ nét. Các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ, Australia là lựa chọn phổ biến của phân khúc khách Việt có thu nhập cao. Một số du khách sẵn sàng chi mạnh tay để nâng cấp các dịch vụ trong chương trình tour, như dịch vụ vận chuyển máy bay thương gia, dịch vụ lưu trú khách sạn cao cấp 4-5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ tham quan tại điểm đến. Năm nay, du khách Việt Nam cũng quan tâm đến nhiều sản phẩm du lịch mới do có đường bay thẳng mới từ Hà Nội đến Ai Cập, Israel, Nam Phi, UAE…

Dịp cuối năm và lễ tết là thời điểm lượng khách cao đột biến, đây cũng là dịp nhiều cá nhân trục lợi, chặt chém, thậm chí lừa đảo. Do đó, người dân khi có kế hoạch đi du lịch cần đặt trước sản phẩm, dịch vụ từ các hãng lữ hành uy tín để được phục vụ chu đáo, tránh “tiền mất, tật mang”.

Trong thời đại công nghệ internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đặt tour, phòng lưu trú, vé máy bay ra đời, đã mang lại cho du khách nhiều tiện tích, nhất là với các gia đình, cá nhân muốn tự khám phá, không phụ thuộc vào tour. Tuy nhiên, du khách cũng nên cảnh giác, tỉnh táo trước nhiều “chiêu trò” giảm giá cực sốc, rẻ bất ngờ trên các website không đáng tin cậy hoặc từ các đơn vị lữ hành không đủ uy tín, dễ bị lừa sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng kém.

T.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực