|
Ảnh minh họa (Ảnh: TL) |
Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Một trong những điểm đột phá quan trọng của dự thảo là chuyển đổi cách tiếp cận quản lý từ quản lý pháp nhân doanh nghiệp sang quản lý theo dòng vốn đầu tư. Theo phương thức mới, Nhà nước chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu vốn, bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp, thay vì đồng nhất với tài sản của Nhà nước như cách hiểu trước đây.
Sự thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước được chủ động hơn trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Các quyết định kinh doanh, đầu tư, huy động vốn sẽ không còn bị phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước mà thay vào đó, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với tư cách một chủ thể kinh tế hoạt động theo nguyên tắc thị trường và các quy định pháp luật doanh nghiệp. Việc này không chỉ tăng tính linh hoạt mà còn tạo ra môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh.
Dự thảo Luật nhấn mạnh vào việc phân công, phân cấp mạnh mẽ quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Thay vì tập trung quyền quyết định ở Thủ tướng Chính phủ như quy định hiện hành, dự thảo trao nhiều quyền tự chủ hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp. Các dự án đầu tư thuộc nhóm A hoặc có tổng mức đầu tư vượt 50% vốn điều lệ sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định, trong khi những dự án khác giao doanh nghiệp tự quyết định.
Sự phân cấp này không chỉ giảm tải công việc sự vụ cho Thủ tướng Chính phủ mà còn đảm bảo vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn như một nhà đầu tư thực thụ, đồng thời tăng tính linh hoạt trong quá trình ra quyết định. Việc giảm các thủ tục hành chính phức tạp và tập trung vào hiệu quả đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong điều hành, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như tài chính, bảo hiểm, chứng khoán.
Dự thảo Luật cũng đề xuất các nguyên tắc mới về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn được coi là hoạt động thường xuyên tại các doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô trong từng ngành nghề, lĩnh vực. Một trong những thay đổi quan trọng là loại trừ giá trị các công trình, dự án kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh khi chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, tránh chồng chéo và gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Quyền quyết định liên quan đến chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập hay chia tách doanh nghiệp cũng được giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, thay vì phải thông qua các cấp quản lý như trước đây. Điều này không chỉ giúp giảm thời gian và chi phí thủ tục mà còn đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.
Một nội dung đổi mới đáng chú ý khác là quy định về đánh giá và xếp loại doanh nghiệp. Theo Luật số 69/2014/QH13, việc đánh giá doanh nghiệp thường bị ràng buộc bởi các tiêu chí khắt khe, thiếu linh hoạt, dẫn đến nhiều bất cập. Ví dụ, một doanh nghiệp có kết quả tổng thể tốt nhưng chỉ cần một dự án thua lỗ cũng có thể bị xếp loại thấp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ lương, thưởng và uy tín của doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật đưa ra phương pháp đánh giá toàn diện, tập trung vào mục tiêu và kết quả tổng thể của doanh nghiệp, đồng thời loại trừ các yếu tố khách quan như tác động từ nhiệm vụ chính trị được giao. Việc đánh giá theo kế hoạch kinh doanh đã được phê duyệt sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định đầu tư, thậm chí chấp nhận rủi ro ở một số dự án nếu kết quả tổng thể vẫn bảo đảm hiệu quả.
Những thay đổi trong dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ khắc phục các bất cập của quy định hiện hành mà còn tạo nền tảng pháp lý cho một cơ chế quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc chuyển đổi cách tiếp cận quản lý vốn, tăng cường phân cấp, phân quyền và đổi mới phương pháp đánh giá sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước phát huy tối đa tiềm năng, hoạt động bình đẳng và hiệu quả như các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác.
Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, cạnh tranh và hội nhập sâu rộng.