Đưa du lịch golf trở thành thế mạnh của ngành kinh tế xanh

Thứ năm, 19/10/2023 15:33
(ĐCSVN) - Du lịch golf là loại hình du lịch thể thao kết hợp giữa hoạt động chơi golf và khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến. Đây là loại hình du lịch đang được xem là thế mạnh để ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi, bứt phá, thu hút dòng khách hạng sang của thế giới.

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), hiện có 61 quốc gia thành viên với khoảng 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hằng năm với khoảng 1,9 triệu người chơi golf (golfer) thường xuyên di chuyển tới các sân golf. Du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch. Doanh thu ngành golf hiện nay đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm, dự báo đạt 3 tỷ USD vào năm 2030.

Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia tiên phong phát triển du lịch golf. Những năm 1980, “xứ phù tang” đã lên kế hoạch xây dựng hàng nghìn sân golf. Hiện, Nhật Bản có hơn 2.500 sân golf, hàng năm du lịch golf chiếm từ 6-7% tỉ trọng GDP của quốc gia này.

Trong khu vực ASEAN, Thái Lan được mệnh danh là “thủ đô golf của châu Á” với hơn 300 sân golf có thiết kế độc đáo, dịch vụ đa dạng. Hàng năm, các sân golf tại “xứ sở chùa Vàng” thu hút khoảng 8-9% trong tổng số khách quốc tế đến Thái Lan hàng năm. Du khách golf đều đặn mang về cho “xứ chùa Vàng” hàng chục tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Du lịch golf được xem là thế mạnh để ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi, bứt phá. (Ảnh: HP)

Ngoài ra, du lịch golf châu Á còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam trong những năm gần đây.

Tại Việt Nam, theo thống kê, cả nước có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động, trong đó có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, chạy theo đường biển dài 6.000 km, gắn liền với các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Dự kiến, đến năm 2025, sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động.

Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Đây cũng là một trong những sản phẩm chính đang được ngành Du lịch quan tâm phát triển, nhằm thu hút đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.

Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch golf khi có tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa độc đáo, hấp dẫn, ẩm thực phong phú, lại nằm gần các thị trường golf có mức tăng trưởng cao nhất thế giới và có vị trí địa lý, cự ly bay lý tưởng. Mặt khác, khí hậu Việt Nam cho phép khách du lịch golf hoạt động cả năm. Các sân golf Việt Nam được thiết kế và đầu tư chuyên nghiệp…

Bên cạnh đó, hạ tầng phát triển với hàng chục sân golf cùng các khách sạn, resort 5 sao mới được đưa vào hoạt động, các hãng hàng không mở nhiều đường bay mới… là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch golf phát triển.

Đáng chú ý, trong 3 năm 2019, 2021 và 2022, Việt Nam đã được công nhận là “Điểm đến golf tốt nhất thế giới”, đồng thời 6 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2022) trở thành “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” theo bình chọn của World Golf Awards, giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới. Đây là những bằng chứng cho thấy du lịch golf Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực và năng lực cạnh tranh để thu hút du khách cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia nhận định du lịch golf chính là giải pháp tăng doanh thu cho nền kinh tế xanh nước nhà. Bởi khách chơi golf thường có thu nhập cao, đến và quay lại những điểm chơi golf nhiều lần. Họ không chỉ chơi golf mà còn sử dụng chuỗi dịch vụ cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng... Do đó, đầu tư phát triển du lịch golf cũng là con đường cho du lịch Việt nâng tầm chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.

Tuy du lịch golf tại Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, nhưng theo các chuyên gia, để thật sự định vị được vị trí trên bản đồ du lịch golf thế giới, loại hình du lịch này ở Việt Nam vẫn cần phải khai thác chuyên nghiệp hơn nữa mới xứng với tiềm năng. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Việt Nam vẫn chưa có chính sách hỗ trợ riêng dành cho loại hình du lịch golf. Thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 20%, khiến golf tour nước ta khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực vốn đã đi trước rất xa.

Theo ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, du lịch golf ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Trước hết, mức thuế cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm mạnh mẽ đến du lịch golf; nhân lực du lịch chưa được đào tạo đầy đủ về golf. Sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, đơn giản; các thành phần của ngành du lịch Việt Nam chưa kết nối với golf. Bên cạnh đó, truyền thông về du lịch golf còn thiếu và yếu; chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf.

Đưa ra những giải pháp để thúc đẩy du lịch golf phát triển trong thời gian tới, ông Cao Thành Trí cho rằng, cần phải làm tốt công tác truyền thông để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân hiểu được golf là một môn thể thao và là một ngành kinh tế gồm xuất khẩu dịch vụ chơi golf, ăn uống, tham quan cho khách du lịch golf quốc tế.

Để du lịch golf phát triển, cần tăng cường sự kết nối, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu giữa các câu lạc bộ golf, sân golf. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường du lịch golf cho khách du lịch châu Âu, Mỹ, Australia, Đông Nam Á... bằng cách tổ chức các giao lưu golf giữa đội tuyển golf các nước và đội tuyển golf Việt Nam.

Theo Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, các địa phương cần đa dạng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch golf. Đồng thời tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không, sân golf, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, ông Hà Văn Siêu cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf, cũng như liên kết hoạt động của sân golf này với sân golf khác. Các cấp chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm, từ đó đưa du lịch golf trở thành thế mạnh của ngành kinh tế xanh.

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực