Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài

Thứ sáu, 15/09/2023 19:36
(ĐCSVN) - Ngày 14/09/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh Vụ Thị trường châu Âu –châu Mỹ, Bộ Công Thương, chủ trì và phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các Cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài”.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương phát biểuu tạii Hội thảo (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)

Hội thảo này là một trong số nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện kết nối cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2023 (Vietnam Sourcing 2023) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15/9/ 2023 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn SECC.

Mục đích của Hội thảo là để cung cấp các thông tin cập nhật về nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu thụ; những quy định, chính sách nhập khẩu nông sản tại một số thị trường trọng điểm, rủi ro, thách thức trong thương mại nông thủy sản; và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu và các Nhà thu mua nước ngoài được gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác đưa hàng nông sản của Việt Nam vào hệ thống phân phối quy mô lớn của nước ngoài.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam trong những năm gần đây ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Việt Nam đã trở thành nơi cung ứng quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu trên thế giới và càng ngày càng khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhận diện được nguy cơ và thách thức để có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời qua đó duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội xâm nhập các hệ thống phân phối lớn là thông điệp của Hội thảo. Ban Tổ chức đã mời nhiều chuyên gia, diễn giả với nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực tham dự Hội thảo. Với sự thiết thực và gắn với thực tiễn của các chủ đề được trình bày, Hội thảo đã thu hút được khoảng 200 doanh nghiệp tham gia.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương công bố những con số ấn tượng trong xuất khẩu nông sản vài năm qua và trong những tháng đầu năm 2023, bất chấp những khó khăn chung và những biến động khó lường của thị trường thế giới.

Theo bà Hiền, với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 15 FTA song phương và khu vực đang thực hiện với nhiều đối tác trên thế giới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, liên tục trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số và đạt 53,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng xấp xỉ 10% so với 2021. Trong đó, có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều.

Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD, đóng góp rất lớn trong tổng kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Về thị trường, dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNN), bà Hiền cho biết, 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc 21%, Mỹ khoảng 20% và Nhật Bản khoảng 7%. Đây là những thị trường có thu nhập cao và giá trị nông sản của Việt Nam cũng được giá.

Tuy nhiên bà Hiền cũng thẳng thắn chia sẻ,  song hành với những kết quả khích lệ, nông sản Việt Nam cũng phải đồng thời đối mặt với những thách thức đến từ những quy định, luật lệ mới, được bổ sung thường xuyên tại các thị trường nhập khẩu trọng yếu nhằm bảo vệ môi trường, đề cao trách nhiệm xã hội…Tất cả những sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, những quy định, tiêu chuẩn về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã trở thành đã trở thành những xu thế tất yếu của các thị trường xuất khẩu lớn hiện nay.

“Để có thể thích nghi với những điều kiện này, chúng ta cần phải thay đổi quá trình sản xuất, thay đổi cách tiếp cận thị trường và tiếp tục phát triển, duy trì những lợi thế của những sản phẩm đặc trưng mà không phải quốc gia nào cũng có được”, bà Nguyễn Thảo Hiền nhấn mạnh.

Xuyên suốt Hội thảo, các chuyên gia và diễn giả từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;  Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngành gia vị và rau quả Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Thương vụ Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương; các nhà nhập khẩu và phân phối nước ngoài, được ban tổ chức mời đến cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích liên quan đến mọi quy trình của việc xuất khẩu nông sản: từ quản lý và bảo đảm nguyên liệu đầu vào; xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới; cập nhật các quy định, tiêu chuẩn ký thuật của một số thị trường; tối ưu hóa hoạt động logistic; phát triển xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử; đến những giải pháp hạn chế rủi ro khi thanh toán….

Giới thiệu về sàn Thương mại điện tử cho sản phẩm trái cây và gia vị Việt Nam xuất khâu sang châu Âu, bà Hoàng Lê Trang, Điều phối Dự án tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SFV Export), cho biết Dự án SFV – Export do Liên minh châu Âu tài trợ, được VCCI phối hợp với Oxfam tại Việt Nam triển khai trong 2 năm 2022-2023.

 

 

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực