Giải bài toán "nút thắt" mua bảo hiểm tại các ngân hàng

Thứ tư, 07/06/2023 09:07
(ĐCSVN) - Trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay nhu cầu mua bảo hiểm của người dân là cần thiết và chính đáng để phòng ngừa rủi ro; bảo hiểm (bảo hiển nhân thọ) cũng là một kênh tiết kiệm hiệu quả.
Nhiều khách hàng đến vay tại các ngân hàng thường bị ép mua các gói bảo hiểm. 

Đối với các Công ty bảo hiểm có rất nhiều kênh bán và phân phối khác nhau để tiếp cận khách hàng. Song trong đó kênh ký hợp tác và phân phối qua các Ngân hàng TMCP (Bancassurance) luôn được các Công ty bảo hiểm hướng đến và ưu tiên phát triển.

Thực tế các Ngân hàng có rất nhiều lợi thế để bán bảo hiểm, họ có mạng lưới rộng khắp cả nước, có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm và đặc biệt các Ngân hàng TMCP có lượng khách hàng vô cùng đa dạng và rất giàu tiềm năng. Các ngân hàng cũng nhận thấy việc bán bảo hiểm mang lại lợi nhuận cao mà rất ít rủi ro. Chính vì vậy mà nhiều hợp đồng hợp tác giữa Ngân hàng và Công ty bảo hiểm được ký kết với nhiều hình thức khác nhau.…

Để thu được lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm nhân thọ thì trong các hợp đồng hợp tác với Công ty bảo hiểm các ngân hàng cũng phải cam kết doanh số bán hàng năm, chính từ đây nẩy sinh vô số các câu chuyện méo mó về việc bán bảo hiểm để đạt được doanh số đề ra.

Trước tiên với nhân viên ngân hàng, hàng năm họ được giao rất nhiều các chỉ tiêu như chỉ tiêu về huy động, chỉ tiêu về dư nợ, chỉ tiêu thẻ, chỉ tiêu khách hàng mới… bên cạnh đó chỉ tiêu về bán bảo hiểm (cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe) không thể tách rời KPI của nhân viên ngân hàng.

Để hoàn thành chỉ tiêu được giao và muốn tồn tại được, nhân viên Ngân hàng buộc phải tìm mọi cách để bán được bảo hiểm. Đối với những nhân viên mới ít kinh nghiệm nếu gặp khách hàng cứng, để thuyết phục họ mua bảo hiểm đôi khi nhân viên hứa hẹn hoàn tiền cho khách, để hoàn thành chỉ tiêu. Như vậy, việc bán bảo hiểm cũng là áp lực rất lớn đối với nhân viên ngân hàng.

Cũng chính vì việc phải hoàn thành chỉ tiêu bảo hiểm và tăng thêm thu nhập, mà việc ép khách hàng mua bảo hiểm đã xẩy ra, đặc biệt là các khách hàng vay vốn. Đối với các khách hàng đi vay hiện nay, đều được các nhân viên ngân hàng tư vấn về các gói bảo hiểm đi kèm khoản vay thậm chí một khoản vay còn phải đi kèm với vài ba loại bảo hiểm khác nhau như bảo hiểm cháy nổ (theo quy định) còn thêm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ... Đặc biệt có tình trạng ở nhiều ngân hàng TMCP mặc định giá trị hợp đồng bảo hiểm được tính theo tỷ lệ từ 1-5% giá trị khoản vay của khách hàng. Độ lớn hợp đồng bảo hiểm càng cao thì nhân viên ngân hàng càng nhanh hoàn thành chỉ tiêu và thu nhập cũng tăng lên.

 Để thu được lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm nhiều khi nhân viên ngân hàng phải có những chiêu trò, như tặng quà hoặc hoàn tiền cho khách......

Bên cạnh đó để thu hút khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ các Ngân hàng và công ty bảo hiểm thường xuyên tổ chức ngày hội khách hàng (thường mỗi tháng 1 lần) với các phần quà tặng hấp dẫn thậm chí các Ngân hàng còn khuyến mãi bằng cách giảm lãi suất cho vay và tăng lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5% cho khách hàng tham gia mua bảo hiểm nhân thọ.

Vì chạy theo chỉ tiêu và lợi nhuận bán bảo hiểm mà có Ngân hàng bất chấp, để nhân viên tư vấn sai lệch “hô biến” tiền gửi của người dân thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Hệ quả tất yếu của những việc làm trên ảnh hưởng trực tiếp không chỉ công ty bảo hiểm mà cả các Ngân hàng TMCP, không chỉ người dân mất niềm tin vào các Ngân hàng mà cả các nhân viên Ngân hàng có tâm cũng sẽ ra đi vì họ thấy rằng có rất nhiều khách hàng khó khăn về tài chính tìm đến ngân hàng vay vốn lại bị ép mua bảo hiểm và mặc dù hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 10-20 năm khách chỉ mua một năm sau đó bỏ, tức là họ chấp nhận mất trắng phí bảo hiểm một năm.

Ngày 15/02/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tại công văn này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các Tổ chức Tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; Khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Để bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đúng là kênh phòng ngừa rủi ro hiệu quả, thì việc tự nguyện tham gia bảo hiểm của người dân là điều vô cùng quan trọng, khi mà cung cầu tự nguyện gặp nhau không bị ép buộc thì lĩnh vực Bảo hiểm – Ngân hàng mới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng cũng như các Công ty bảo hiểm cần quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặt lợi ích lâu dài của khách hàng và người dân lên trên hết, chỉ đạo cán bộ nhân viên tư vấn đầy đủ, minh bạch và tận tâm khi đó hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam mới có thể phát triển như các nước trên thế giới.

Bài, ảnh: Hùng Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực