Hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa lọt top 20 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số

Thứ ba, 11/10/2022 13:57
(ĐCSVN) – Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Khánh Hòa, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Khánh Hòa đã ban hành nhiều Nghị quyết triển khai Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
 Khánh Hòa quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu lọt top 20 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số
(Ảnh: MPI)

Nhằm hỗ trợ Khánh Hòa sớm hoàn thành mục tiêu 80% doanh nghiệp chuyển dịch lên nền tảng số vào năm 2025 và các mục tiêu xa hơn 2030, Bộ KH&ĐT và các chuyên gia đã có nhiều khuyến nghị về giải pháp cho tỉnh duyên hải này.

Tại Khóa đào tạo tập huấn “Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa”, ngày 10/10, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhu cầu của các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang các phương thức dựa trên các nền tảng số đang trở nên cấp thiết.

Khóa tập huấn là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 2022 do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME tổ chức. Đây cũng là một trong những hoạt động cụ thể trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ KH&ĐT.

 Khóa tập huấn diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa (Ảnh: MPI)

9 tháng qua, tổng số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 1.578 doanh nghiệp, nâng tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lên 24.901 doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hà thông tin, tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Các nhiệm vụ cụ thể là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa hoàn thành cơ bản chuyển đổi số về xây dựng đô thị thông minh, thuộc nhóm 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số, tiếp tục duy trì các mục tiêu đạt được trong giai đoạn trước và đạt được một số mục tiêu đề ra trong giai đoạn sau. Trong đó, phấn đấu 80% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng thông rộng cáp quang, mạng di động 5G. Tỷ lệ dân số sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để tương tác với chính quyền đạt trên 80%.

Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết, việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn còn chậm bởi nhiều thách thức. Đáng chú ý là doanh nghiệp thiếu nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số khi vẫn cho rằng chuyển đổi số tốn nhiều chi phí, lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực công nghệ, lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh. Đặc biệt là doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho rằng, đây là một cách thức hữu hiệu để giúp doanh nghiệp đổi mới, thích ứng với tình hình mới, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên chuyển đổi số như thế nào để cho hiệu quả và phù hợp với doanh nghiệp lại là một bài toán khó.

Từ đầu năm 2021 đến nay, với sự hỗ trợ kỹ thuật của USAID thông qua Dự án LinkSME, Bộ KH&ĐT đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có các doanh nghiệp Khánh Hòa. Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp về chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động từ đại dịch COVID-19.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Trịnh Thị Hương phát biểu trên nền tảng trực tuyến (Ảnh: MPI) 

Thực tế, hơn 1 năm qua, từ khi Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, định hướng về thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp đã nhìn thấy sự chuyển biến tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.“Các doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải chuyển đổi số, kết quả mà chuyển đổi số mang lại và bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung” - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Trịnh Thị Hương nói.

Tại buổi tập huấn, chuyên gia của chương trình cũng đã giới thiệu với các doanh nghiệp Khánh Hòa tổng quan về chuyển đổi số và ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các xu hướng công nghệ của chuyển đổi số cũng được chia sẻ.

Đồng thời, nhân dịp này, các chuyên gia hướng dẫn các doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và chia sẻ lộ trình, các ví dụ thực tiễn về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Cục Phát triển Doanh nghiệp phối hợp với các địa phương như Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME để tổ chức đào tạo, hướng dẫn triển khai và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh. Tính đến nay, Chương trình đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức trực tiếp cho hơn 6.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố, và hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận trực tuyến khác. Đồng thời, cử các đoàn chuyên gia đến các doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên toàn quốc để hỗ trợ trực tiếp từ tháng 9/2022, trong khuôn khổ Gói Hỗ trợ xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp./. 

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực