Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Israel

Thứ ba, 18/04/2023 15:07
(ĐCSVN) - Đầu tháng 4/2023 này, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã kết thúc đàm phán sau 7 năm. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nâng cao hợp tác, ký kết, trao đổi.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, về tổng thể, VIFTA bao gồm các nội dung mang tính chất một Hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống. Mức độ cam kết trong tất cả các lĩnh vực không vượt quá khuôn khổ pháp luật hiện hành cũng như các FTA Việt Nam đang tham gia. VIFTA là cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương của hai quốc gia trên tất cả các lĩnh vực nói chung và trên quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư nói riêng.

Israel là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (Ảnh tư liệu) 

Thực tế, Israel là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel không ngừng tăng nhanh từ 1,89 tỷ USD trong năm 2021 và đạt 2,23 tỷ USD trong năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Israel đạt 125,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, nếu tình hình thị trường diễn biến thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel trong cả năm 2023 có thể đạt khoảng 850 triệu USD.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Israel gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng đầu tư, nhiên liệu xăng dầu, kim cương thô... Về nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, cụ thể bao gồm các mặt hàng như: lương thực thực phẩm, nông sản, đồ uống các loại, quần áo, giầy dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm…

Để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Israel, trong thời gian tới, Bộ Công Thương, mà cụ thể là Vụ Thị trường châu Á – châu Phi dự kiến sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động như: tổ chức các hội thảo, tọa đàm doanh nghiệp; cập nhật thông tin diễn biến thị trường, các thay đổi chính sách thương mại, quy định nhập khẩu mới của Israel và đăng tải rộng rãi trên các trang thông tin điện tử và tạp chí; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với Israel.

Mặt khác, Bộ Công Thương khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội nên tích cực tìm hiểu thông tin thị trường, chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tìm kiếm các bạn hàng, đối tác, nắm được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường Israel, từ đó có được các cơ hội hợp tác khi Hiệp định được chính thức đi vào thực thi.

Phương Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực