Hưng Yên đang sở hữu những lợi thế hấp dẫn
Nằm tại vị trí gần kề Hà Nội, Hưng Yên trở thành một trong những tâm điểm kết nối Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Do đó, tỉnh chú trọng các dự án hạ tầng nhằm rút ngắn khoảng cách với Hà Nội, tạo lợi thế cạnh tranh so với các đô thị vệ tinh hay tỉnh lân cận khác.
|
Quảng trường trung tâm TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên (Ảnh: PV) |
Được biết, tỉnh đang và sẽ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2021 – 2025, trong đó các dự án có thể kể đến là nâng cấp tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, và xây dựng đường nối từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, bên cạnh dự án đường Vành đai 4.
Thêm nữa, Hưng Yên hiện sở hữu lực lượng lao động dồi dào. Cụ thể, từ năm 2017 – 2021, số dân trong độ tuổi lao động luôn chiếm hơn 50% tổng dân số tỉnh. Cho đến năm 2021, dân số Hưng Yên đã đạt 1,28 triệu người, mật độ cao nhất tập trung tại các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ và Văn Giang. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh dự kiến sẽ đạt 48% vào năm 2025.
Song song, sự phát triển trong ngành công nghiệp tại Hưng Yên đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà hồi phục, thể hiện qua các chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng so với cùng kỳ 2022.
Ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội, chia sẻ: “Hưng Yên hiện có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động và các dự án mới sẽ ra mắt thị trường vào năm 2025. Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại tỉnh đã kéo theo nhu cầu về nhà ở cho cả người lao động trong nước và chuyên gia nước ngoài tăng cao. Nguồn cầu này dự kiến sẽ còn có xu hướng tăng do nhu cầu thuê nhà kho/nhà xưởng xây sẵn và đất ở khu vực miền Bắc đang nở rộ, đặc biệt đến từ các ngành có giá trị gia tăng cao.”
Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế của tỉnh, những thay đổi về chiến lược đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các ưu thế về vị trí địa lý cũng như nhân khẩu học đã và đang đưa Hưng Yên trở thành mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các dự án nhà ở, đáp ứng nhu cầu không chỉ ở Hưng Yên mà còn người mua nhà từ Hà Nội.
“San sẻ” gánh nặng nguồn cầu nhà ở cho Hà Nội
|
Các khu đô thị sinh thái đang trở nên phổ biến ở Hưng Yên, tiếp giáp gần Hà Nội (Ảnh: PV) |
Sở hữu những lợi thế nổi bật, Hưng Yên mang tới nhiều cơ hội cho các dự án bất động sản nhà ở phát triển, điển hình là các đại đô thị với đa dạng loại hình nhà ở và hệ thống tiện ích chất lượng. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, cho rằng nguồn cầu nhà ở có xu hướng tăng tại Hưng Yên được ghi nhận với ba yếu tố chính. Yếu tố thứ nhất đến từ việc mức giá nhà ở tại thủ đô vẫn ở mức cao, đặc biệt là phân khúc thấp tầng, khiến việc sở hữu nhà ở tại Hà Nội trở nên khó khăn hơn trước. Trong khi đó, mức giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ và biệt thự liền kề tại Hưng Yên đều thấp hơn Hà Nội lần lượt là 14% và 17% đối với mỗi phân khúc, từ đó tạo động lực cho nguồn cầu hướng tới thị trường này.
Yếu tố tiếp theo đến từ nhu cầu giãn dân khỏi khu vực trung tâm Hà Nội, khi trung tâm đã có mật độ dân cư khá đông đúc. Hiện nay, đối tượng khách hàng cao tuổi không có nhu cầu đi lại nhiều đang quan tâm tới các dự án nhà ở tại Hưng Yên. Nguồn cầu hướng tới các dự án với chất lượng không khí tốt, môi trường sống xanh và hệ thống tiện ích đa dạng, vừa đáp ứng nhu cầu về môi trường sống, vừa đảm bảo thuận lợi cho gia đình thăm hỏi.
Yếu tố cuối cùng là vị trí địa lý tiếp giáp với Hà Nội, Hưng Yên có thể trở thành cầu nối giữa các tỉnh thành khác vào Thủ đô. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng phát triển đã tạo điều kiện rút ngắn thời gian di chuyển từ Hưng Yên vào khu vực trung tâm. Theo đó, người mua nhà đến từ các tỉnh lân cận có thể xem xét Hưng Yên như một lựa chọn gần Hà Nội thay thế nhằm dễ dàng di chuyển tới Thủ đô.
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu có 10.060.500m2 diện tích nhà ở mới vào năm 2025, hướng tới cả hai đối tượng bao gồm khách thuê và nhà đầu tư đến từ Hà Nội và các tỉnh thành khác. Thêm vào đó, nguồn cung nhà ở cũng sẽ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa của Hưng Yên, từ mức 17% trong năm 2022 đến dự kiến đạt 48% trong năm 2025. Khoảng 108.000 nhà ở dự kiến gia nhập thị trường tới 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu. Có thể thấy, Hưng Yên với nguồn cung nhà ở tương lai có chi phí hợp lý sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng nguồn cầu về nhà ở cho Hà Nội.
“Khi điều kiện hạ tầng phát triển, khoảng cách từ Hưng Yên đến Hà Nội sẽ tương đương khoảng cách so sánh với các đô thị vệ tinh, điều đó sẽ tạo nên khả năng cạnh tranh cho Hưng Yên. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút đầu tư với nhiều dự án nhà ở có quy mô đa dạng, từ đại đô thị đến các tòa chung cư, do đó có thể thu hút được nguồn cầu ở miền Bắc muốn tìm nhà ở gần Hà Nội.” – Bà Hằng đánh giá.