Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53/NQ-TW và Kết luận số 27/NQ-TW, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong Vùng KTTĐPN nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực, Qua đánh giá sơ bộ, Vùng đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thành tựu và hạn chế của vùng KTTĐPN và Đông Nam Bộ
|
Vùng KTTĐPN và Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh (Ảnh: PV) |
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nhờ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW, vùng KTTĐPN và Đông Nam Bộ đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là: các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra đã được các Bộ ngành và cơ quan trong Vùng triển khai thực hiện tích cực, góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước. Vùng đã chứng tỏ tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ, năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Đặc biệt, đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách nhà nước. Kinh tế tư nhân của vùng phát triển năng động, mạnh mẽ; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước. Hơn thế nữa, Vùng cũng đang dần trở thành “bệ đỡ” cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.
Đáng chú ý, diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng. Hệ thống đô thị đã được phát triển và phân bố hợp lý tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong vùng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển khá và đạt trình độ cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cao ở mức hàng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; Thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Lĩnh vực y tế được cải thiện, nhất là y tế chuyên sâu đã có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới. Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được một số thành tựu nổi bật. Thành phố Hồ Chí Minh dần trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin của vùng và cả nước. Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng trong quá trình phát triển, Vùng vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, trong đó phải kể đến: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP của cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động, thu ngân sách nhà nước chưa đạt như kỳ vọng; công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có,... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra. Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Tình trạng quá tải ở hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng lớn. Thiếu nhà ở và các tiện nghi, tiện ích cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ mất ổn định. Tội phạm băng nhóm có tổ chức, sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng. Tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước còn bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân khách quan và chủ quan của tồn tại trong phát triển của Vùng
|
Ưu tiên phát triển công nghiệp làm ngành mũi nhọn của Vùng (Ảnh: PV) |
Phân tích về nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế trong sự phát triển của Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như: bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều yếu tố bất lợi; một số địa phương có xuất phát điểm thấp; tỷ lệ tăng dân số cơ học nhanh thì tồn tại hạn chế trong phát triển của Vùng thời gian qua còn đến chủ yếu từ các nguyên nhân chủ quan, gồm có:
Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng còn chưa cao. Công tác chỉ đạo điều hành giữa các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ để xử lý các vấn đề của Vùng. Mục tiêu đề ra trong Nghị quyết khá cao trong khi nguồn lực còn hạn chế và trong quá trình thực hiện chưa dự báo chính xác được những tác động của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài để có các giải pháp ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Cơ chế, chính sách liên kết vùng chưa được hình thành đồng bộ, đầy đủ nhất là trong huy động nguồn lực cho các dự án quy mô vùng. Các quy định về hợp tác, liên kết vùng chưa rõ ràng, chưa có chính sách khuyến khích sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện hợp tác liên kết Vùng.
Một số quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn bất cập, chưa đồng bộ. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng chưa đồng bộ, còn chồng chéo, thiếu sự liên kết, thống nhất. Tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế và bất cập.
Thiếu cơ chế chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của Vùng. Hầu hết các địa phương trong Vùng tự cân đối được ngân sách nhà nước nên đầu tư từ ngân sách trung ương cho các công trình quan trọng, quy mô lớn còn thấp do đó chưa tạo động lực đột phá cho phát triển Vùng.
Đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thích đáng; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới còn hạn chế.
Làm rõ 5 nội dung phục vụ phát triển Vùng
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc triển khai tổng kết Nghị quyết 53/NQ-TW và Kết luận 27/KL-TW là dịp quan trọng để cùng nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện hơn để tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐPN nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, Bộ trưởng đề xuất cần tập trung vào giải quyết 5 nội dung chính, gồm có:
Thứ nhất, đánh giá sâu sắc hơn các kết quả đạt được từ năm 2005 đến nay, những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng; những nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả; những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của các địa phương trong Vùng.
Thứ hai, thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực bên ngoài và khơi thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các khuyến nghị chính sách cho Vùng.
Thứ ba, làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Vùng trong mối quan hệ tổng thể quốc gia; đánh giá các cơ hội, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng trong thời gian tới.
Thứ tư, định hình lại, làm sâu sắc hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng Đông Nam Bộ. Trên cơ sở đó, đề xuất được các quan điểm cần được xem xét, các cơ chế chính sách cần phải thay đổi; các ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư; các trục phát triển kết nối Vùng với khu vực Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, tuyến đường xuyên Á,... để phát triển kinh tế xã hội Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ năm, đề xuất được các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Vùng, trong đó làm rõ việc giải quyết các vấn đề nổi lên của Vùng như quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường; liên kết vùng; giải pháp phát triển đô thị, mạng lưới giao thông vùng, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh; phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; cơ chế, chính sách và nguồn lực nhằm phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Vùng.