Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống, các sản phẩm gắn với đặc trưng nông nghiệp vùng miền, khu vực nông thôn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP nhằm phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch cộng đồng sẽ góp phần nâng cao giá trị, mang lợi ích kinh tế cho người dân. Kiên Giang là 1 trong 4 tỉnh, thành phố được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thực hiện đề án trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ hội tốt để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh đã có 108 sản phẩm được đánh giá và công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, công nhận chủ yếu ở 3 nhóm sản phẩm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến hiện có 78 sản phẩm, chiếm 72,22%; sản phẩm đồ uống có 12 sản phẩm, chiếm 11,11%; sản phẩm lưu niệm với 18 sản phẩm, chiếm 16,67%. Đặc biệt, trong năm 2021, có 6 sản phẩm nước mắm Phú Quốc đạt hạng tiềm năng 5 sao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xem xét đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia. Đến nay, cũng đã có trên 60 sản phẩm OCOP của tỉnh Kiên Giang được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử như Postmart.VN; kiengiangpromotion.vn; Kigi.com.vn...
|
Các sản phẩm đặc sản của Kiên Giang (Ảnh: baovanhoa.vn) |
Để quảng bá sản phẩm OCOP, trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP giới thiệu, trưng bày, quảng bá tại các khu, điểm du lịch. Hiện nay, tỉnh đang phát triển khá mạnh về loại hình du lịch cộng đồng, trong đó tập trung nhiều tại huyện U Minh Thượng, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Kiên Giang chưa công nhận được sản phẩm OCOP nào về dịch vụ du lịch cộng đồng. Nguyên nhân là do các cơ sở dịch vụ du lịch chưa quan tâm nhiều về Chương trình OCOP, một số điểm du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, chưa liên kết các dịch vụ với nhau để cùng phát triển, đa phần các điểm du lịch cộng đồng đều phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có như rừng, núi, biển,..
Nhằm phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, thu thập và hiện trạng kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, nâng cao cuộc sống người nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của đề án, phấn đấu đến năm 2025: Có ít nhất 4 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, định hướng 5 sao. Đến năm 2030: Có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.
Để thực hiện đề án đạt hiệu quả, tỉnh triển khai 3 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các mô hình quản lý về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như: Mô hình các doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành (doanh nghiệp cộng đồng, doanh nghiệp xã hội); mô hình liên doanh giữa cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân; mô hình liên kết giữa các cư dân địa phương tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch với nhau thành lập một đơn vị điều hành (Hợp tác xã, Ban Quản lý, Tổ tự quản, Hội quán,...). Đẩy mạnh nhận thức của các bên liên quan trong việc nhận diện tài nguyên du lịch nông thôn tại địa phương, phát triển các ý tưởng về sản phẩm và khai thác các tài nguyên để hình thành dịch vụ du lịch nông thôn theo hình thức liên kết chuỗi giá trị. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương vào sản phẩm du lịch để nâng cao tính độc đáo, lợi thế cạnh tranh. Xây dựng phương án phát triển sản phẩm gắn với các thị trường mục tiêu để tạo ra hiệu quả kinh tế và tăng trưởng doanh thu. Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và đề xuất chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, vận động đoàn viên, thanh niên mạnh dạn đầu tư.
Nhóm giải pháp về khả năng tiếp thị, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Định hướng quảng bá toàn chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP. Mở rộng liên doanh liên kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, xây dựng hệ thống dự báo thị trường, tìm kiếm đối tác,... để thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển; kêu gọi, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản vật địa phương, xây dựng câu chuyện truyền thông, marketing thương hiệu mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành du lịch địa phương nói chung và du lịch nông thôn nói riêng.
Nhóm giải pháp về chất lượng sản phẩm, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hóa địa phương. Kêu gọi đầu tư, phát triển các dịch vụ bổ sung cho du lịch nông thôn cũng như quan tâm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách để kéo dài thời gian lưu trú và tăng doanh thu cho ngành du lịch. Chú ý các vấn đề an toàn, an ninh trật tự cho du khách tại điểm đến. Chuyên nghiệp hóa chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân lực du lịch. Gắn chất lượng sản phẩm với nhu cầu thị trường và các yêu cầu trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm. Xây dựng bản đồ các điểm du lịch nông thôn được đánh giá, phân hạng, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn.
Nếu Kiên Giang làm tốt công tác lồng ghép xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Ngược lại nhờ vào du lịch giúp quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.