|
Kỳ họp thứ I của Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế giữa Việt Nam – Canada (Ảnh: T.V) |
Thực hiện Thỏa thuận hợp tác thành lập Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế giữa Việt Nam – Canada ngày 6/7, tại Vancouver, British Columbia, Canada, đã diễn ra Kỳ họp đầu tiên của Ủy ban này. Kỳ họp dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng phụ trách thương mại toàn cầu David Morrison của Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada.
Ngay trước thềm Kỳ họp lần thứ I này, đã diễn ra cuộc trao đổi giữa Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Bà Bộ trưởng Mary Ng. Thay mặt Bộ Công Thương và đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp lần I UBHH về Kinh tế Việt Nam - Canada, Thứ trưởng cảm ơn Bà Bộ trưởng Mary Ng đã có nhiều đóng góp rất nhiều trong những phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian vừa qua và cảm ơn bà dù rất bận rộn nhưng cũng đã dành thời gian làm việc với đoàn.
Bộ trưởng Mary Ng bày tỏ vui mừng và nhiệt liệt chào đón đoàn công tác của chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sang Canada, tham gia Kỳ họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và các hoạt động thúc đẩy hợp tác, kết nối doanh nghiệp của hai nước, hiện thực hóa Biên bản hợp tác mà Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Các Vấn đề toàn cầu đã ký vào ngày 11 tháng 1 năm 2021 vừa qua. Ủy ban sẽ là cơ chế thiết thực để hai bên có những đối thoại cụ thể, cùng tìm ra giải pháp tăng cường hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư song phương. Bà Bộ trưởng Ng chúc hai bên sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực ở Kỳ họp đầu tiên này, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Tại Kỳ họp lần I của UBHH về Kinh tế VIệt Nam – Canada, hai bên đã thảo luận về những thách thức và cơ hội đối với thương mại và đầu tư song phương, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn về kinh tế, chính trị, cũng như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến lược đa dạng hóa thị trường và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID- 19.
Hai bên ghi nhận những tăng trưởng đáng kể trong trao đổi thương mại và đầu tư song phương kể từ khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào hiệu lực, bất chấp những tác động của đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, hợp tác song phương về thương mại và đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai nước và cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Hai bên nhất trí nỗ lực chung để đa dạng hóa và mở rộng thương mại bằng cách tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy dòng đầu tư giữa các nước.
Theo thỏa thuận hợp tác thành lập UBHH về kinh tế, các kỳ họp sẽ được tổ chức luân phiên 2 năm một lần. Tuy nhiên, xét thấy độ cần thiết của việc thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay, hai bên đã thống nhất tổ chức Kỳ họp lần II vào năm 2023 tại Việt Nam. Hoạt động với hy vọng mang đến những kết quả tích cực và cụ thể trong hợp tác kinh tế song phương, sẽ là cơ hội để đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Canada.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế này, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Các vấn đề toàn cầu đã tổ chức Diễn đoàn Doanh nghiệp Việt Nam – Canada. Chương trình có sự tham gia và hỗ trợ đặc biệt của Chính quyền bang British Colombia, Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Canada, Hội đồng Thương mại Surrey, Quỹ Kinh doanh Châu Á – Thái Bình Dương và Đường sắt Canada CN.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết hai nước đã và đang có một nền tảng quan hệ chính trị, kinh tế tốt đẹp hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc đều là thành viên tích cực, hỗ trợ lẫn trong trong các diễn đàn đa phương quốc tế, với sự quan tâm của Lãnh đạo hai nước, mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Hai nước đã nâng cấp trở thành quan hệ “Đối tác toàn diện” vào năm 2017, trong đó, thương mại và đầu tư là yếu tố trụ cột. Đặc biệt, Việt Nam và Canada lần đầu tiên có quan hệ FTA khi cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, với cơ cấu hàng hóa, thế mạnh bổ sung cho nhau cùng với các điều kiện mà Chính phủ hai nước đã thiết lập như hiện nay, dư địa cho phát triển thương mại, đầu tư của doanh nghiệp hai nước vẫn còn rất lớn. Thứ trưởng tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là cầu nối vững chắc để Canada thực hiện chiến lược đa dạng hóa thương mại thành công vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; ở chiều ngược lại, Canada là cầu nối phát triển thương mại với các đối tác khu vực Bắc Mỹ và Châu Mỹ.
Với tư cách khách mời danh dự của Diễn đàn, Thứ trưởng Thương mại quốc tế David Morrison bày tỏ vui mừng và đánh giá sự năng động cũng như cao vai trò đang lên của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Ông cho rằng Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng của Canada và là một nhân tố kinh tế nổi bật ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ông tin tưởng với nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của hai nước như vậy, doanh nghiệp và người lao động của cả Canada và Việt Nam sẽ được hưởng lợi tốt hơn từ chuỗi cung ứng mới và đa dạng hóa thị trường.
Phiên Thảo luận được đông đảo khách tham dự quan tâm, đặc biệt là các chủ đề về phát triển kết nối chuỗi cung ứng, phục hồi kinh doanh sau đại dịch, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kết nối logistics, cũng như các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư Việt Nam – Canada.
Kết nối trực tiếp doanh nghiệp cũng là một phần quan trọng của Diễn đàn, với sự tham gia 23 doanh nghiệp đến từ Việt Nam từ các lĩnh vực dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và nông sản. Đã có hơn 50 doanh nghiệp Canada đăng ký tham gia và nhiều lượt kết nối, được doanh nghiệp đánh giá cao, hứa hẹn nhiều giao dịch có thể triển khai trong thời gian tới.