|
Hình ảnh tai “Hội thảo quốc gia về quản lý, bảo tồn các KDTSQ thế giới”. |
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) năm 2024 diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/11, tại thành phố Vinh (Nghệ An) là dịp để ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc phát triển và quản lý các KDTSQ thế giới, và là cơ hội để nhìn lại, đánh giá vai trò quan trọng của các KDTSQ trong việc góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững và ý nghĩa của KDTSQ trong bức tranh bảo tồn môi trường toàn cầu. Chuỗi sự kiện là nỗ lực để khẳng định vai trò và cam kết của Việt Nam đối với việc quản lý và phát triển bền vững các KDTSQ, góp phần tạo ra tác động dài hạn cho bảo tồn và phát triển cộng đồng.
Với sự chủ trì của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Nghệ An, Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển đã được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCO, chính quyền địa phương và đại diện các cộng đồng sinh sống trong các KDTSQ tại Việt Nam. Buổi lễ là dịp để chính phủ và người dân Việt Nam cùng đồng lòng thể hiện cam kết về phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên tại các KDTSQ và ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tài – Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thay mặt Bộ TN&MT kêu gọi các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển và các bên có liên quan phối hợp triển khai các hoạt động “tổ chức truyền thông, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các Khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các Khu Dự trữ sinh quyển tại địa phương, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của khu DTSQ; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An chia sẻ “Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007, nằm trên địa bàn 9 huyện miền Tây Nghệ An, với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, chiếm hơn 84% tổng diện tích tỉnh Nghệ An, dân số khoảng trên 1,0 triệu người, gồm 6 dân tộc anh em, với những nét văn hóa rất độc đáo và nhân văn đặc sắc, có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, chứa đựng các giá trị to lớn về khoa học và môi trường”. Ông cũng cam kết: “Nghệ An sẽ duy trì triển khai và giữ vững danh hiệu được trao tặng, thực hiện đúng chức năng của Khu dự trữ sinh quyển, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái đi đôi với phát triển kinh tế xã hội”.
Nhắn gửi thông điệp của Tổ chức UNESCO tại buổi lễ, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Các khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò then chốt trong cùng giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, cũng như hỗ trợ thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Và điều đó chỉ có thể thực hiện đuợc bằng cách chúng ta chung sống hòa bình với thiên nhiên. Các khu dự trữ sinh quyển chính là những phòng thí nghiệm học tập cho các mô hình phát triển bền vững địa phương, là những khu vực thí điểm cho sự hợp tác, triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh”.
|
Triển lãm các sản phẩm về bảo vệ sinh quyển tại chuỗi sự kiện |
Sau buổi lễ đã diễn ra “Hội thảo quốc gia về quản lý, bảo tồn các KDTSQ thế giới”. Hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn KDTSQ đã chia sẻ về các định hướng phát triển bền vững cho các KDTSQ trên thế giới, chia sẻ bài học kinh nghiệm thế giới cho Việt Nam, cập nhật các chính sách pháp luật của Việt Nam về quản lý KDTSQ và kế hoạch phát triển mạng lưới trong tương lai.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khu dự trữ sinh quyển được coi là "nơi học tập để phát triển bền vững", nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương. Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới phát triển rộng khắp trên các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngày 3/11 hàng năm đã được MAB-ICC/UNESCO thông qua là Ngày Quốc tế Khu Dự trữ sinh quyển.
Kể từ năm 2000 khi KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ là KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, hiện đã có 11 KDTSQ thế giới được công nhận trên toàn quốc. Các KDTSQ đang đóng giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân và ngôi nhà của các hệ động thực vật bản địa phong phú, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp với diễn biến khôn lường, các KDTSQ là một trong các yếu tố quan trọng giúp cân bằng khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học nhờ vào các chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển.