|
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: HT) |
Với chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2022 là “Thúc đẩy số hóa, đạt được mục tiêu bền vững”, Hội nghị đã thảo luận về triển vọng kinh tế và tài chính đồng thời chia sẻ quan điểm về các hành động chính sách hợp tác để đạt được Tầm nhìn Putrajaya 2040, bao gồm thông qua Kế hoạch Hành động Aotearoa, nhằm phát triển một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai.
Hội nghị tái khẳng định vai trò tích cực của các chính sách cải cách cơ cấu và kinh tế vĩ mô nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bao trùm, đổi mới và bền vững phục vụ cho mục tiêu nâng cao mức sống trong khu vực; bao gồm thực hiện các chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm và tạo thêm việc làm, hợp tác với các diễn đàn liên quan của APEC về các vấn đề liên quan đến các chính sách kinh tế vĩ mô và nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, đồng thời đảm bảo nợ công bền vững, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và các chính sách hợp lý cho sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường đầu tư và thương mại quốc tế tự do, cởi mở, công bằng, bao trùm, không phân biệt đối xử, minh bạch, mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực; khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, tạo việc làm, phù hợp với mục tiêu của APEC về hội nhập kinh tế trong khu vực.
Hội nghị đã rà soát và thảo luận triển khai sáng kiến của năm 2022 là Tài chính bền vững và Số hoá trong nền kinh tế. Trong đó, tiếp cận tài chính bền vững và hiệu quả cho tất cả các khu vực thành phần kinh tế là đặc biệt quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững; khai thác triệt để sức mạnh của số hóa đối với chính sách tài khóa và tài chính bao trùm, bao gồm giảm khoảng cách công nghệ số giữa các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đã chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và sự ủng hộ của Việt Nam đối với các sáng kiến triển khai trong kênh hợp tác tài chính APEC. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực APEC phải đối diện với nhiều thách thức, phục hồi không đồng đều, chưa toàn diện, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng GDP quý III năm 2022 ở mức khá cao 13,67% so với cùng kỳ năm trước tạo nên mức tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% - là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7,5-8%. Trong 9 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 1,88%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả đã góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng GDP trong năm 2022. Bên cạnh đó, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, ưu tiên điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam trong những năm tới là thực hiện huy động và phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia hiệu quả gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững; quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công và cải thiện dư địa tài chính góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia; thiết lập nền tảng tài chính số, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Hội nghị cũng là sự kiện đánh dấu thời điểm chuyển giao nước chủ trì Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2022 từ Thái Lan sang Hoa Kỳ trong năm 2023./.