Mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt

Thứ tư, 19/10/2022 16:56
(ĐCSVN) - Tại báo cáo công tác quản lý, điều hành 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, trong nước, kinh tế phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt.
 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Bộ Tài chính chỉ ra, nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2022 là do giá xăng dầu được điều chỉnh 25 đợt, trong đó có 11 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 giảm 710 đồng/lít; xăng E5 giảm 770 đồng/lít và dầu diezen tăng 4.960 đồng/lít. Bình quân 9 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm. Cùng với đó, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 9 tháng tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng CPI được Bộ Tài chính chỉ ra như: giá gas; giá vật liệu xi măng, sắt, thép...; giá các mặt hàng thực phẩm; giá gạo.

Ở chiều ngược lại, nguyên nhân làm giảm CPI trong 9 tháng đầu năm 2022 gồm những yếu tố: giá dịch vụ giáo dục giảm; giá bưu chính viễn thông giảm. Ngoài ra, công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu được chú trọng góp phần quan trọng trong bình ổn thị trường.

Bộ Tài chính cho rằng các chính sách về miễn giảm thuế, gia hạn thuế… được đề xuất thực hiện kịp thời; công tác điều hành chính sách giá, lãi suất tín dụng được thực hiện linh hoạt cũng đã góp phần quan trọng trong bình ổn giá thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công; đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nguồn cung vẫn dồi dào, đây là những mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI. Hiện nước ta vẫn chủ động được trong sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, trước tình hình giá xăng dầu có xu hướng tăng cao, tác động đến giá một số mặt hàng thiết yếu, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá; tiếp đó, ngày 16/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ cũng đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp để rà soát đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời theo dõi, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng –Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp cùng với sự triển khai chủ động nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực