Mở rộng diện tích các giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chống chịu được với sâu bệnh

Thứ tư, 10/05/2023 16:45
(ĐCSVN) - Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố phía Bắc chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án gieo cấy lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa 2023 theo hướng mở rộng diện tích các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
 Mở rộng diện tích các giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chống chịu được với sâu bệnh (Ảnh minh họa: B.T)

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong thời gian vừa qua, do mưa lớn và lốc xoáy cục bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa, rau màu tại một số tỉnh vùng Bắc Trung bộ.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo khoảng từ giữa tháng 6 có khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới bắt đầu xuất hiện trên khu vực Biển Đông và phù hợp với quy luật khí hậu. Nắng nóng có khả năng gia tăng hơn từ khoảng tháng 5-7/2023 và tập trung nhiều tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ.

Hiện nay, lúa Đông Xuân tại các tỉnh Bắc Trung bộ đã trỗ, chín sữa, một số diện tích trà sớm đã bắt đầu thu hoạch. Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, lúa đang giai đoạn phân hóa đòng, một số diện tích lúa gieo cấy sớm đã trỗ.

Để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân và triển khai sản xuất vụ Hè Thu, Mùa và vụ Đông 2023 theo kế hoạch, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh Bắc Trung bộ, đối với diện tích lúa, rau màu bị ảnh hưởng do mưa, lốc xoáy gây ra, huy động tối đa nhân lực để bơm tiêu úng nội đồng, khoanh vùng để tiêu thoát nước kịp thời. Đồng thời rà soát diện tích bị ảnh hưởng, báo cáo kịp thời về Bộ NN&PTNT.

Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch cần bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa Đông Xuân đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do những đợt mưa dông bất thường gây ra.

Trên các diện tích đã thu hoạch triển khai cày lồng vùi rơm rạ sớm, kết hợp xử lý chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ với lúa vụ sau, đồng thời hạn chế cầu nối sâu bệnh cho vụ sau.

Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo kế hoạch, thời vụ thu hoạch: trà lúa Hè Thu chạy lụt sớm thu hoạch trước ngày 5/9, đối với vùng thấp trũng thu hoạch trước 20/8.

Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, Cục Trồng trọt đề nghị giữ nước mặt ruộng đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc nhằm hạn chế tác động của nắng nóng.

Với diện tích lúa chuẩn bị phân hóa đòng (ở một số vùng núi phía Bắc) chỉ đạo tiến hành bón đón đòng kịp thời; bón bổ sung Kaliclorua và cân đối NPK để lúa sinh trưởng phát triển tốt, quần thể đồng đều, trỗ tập trung.

Đồng thời, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất vụ Mùa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo kế hoạch, thời vụ thu hoạch: trà lúa Mùa sớm ở các tỉnh thu hoạch trước ngày 25/9 để tạo quỹ đất làm cây vụ Đông ưa ấm. Hạn chế việc gieo thẳng ở những vùng thấp trũng, không chủ động tưới tiêu, thường xuyên bị ngập úng.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sâu, bệnh hại để chủ động phòng trừ sớm như: bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, rầy nâu,… trên tất cả các trà lúa, chú ý những giống nhiễm sâu bệnh, vùng ổ dịch, chân đất trũng thấp.

Các tỉnh chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án gieo cấy lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Đông 2023, theo định hướng: Mở rộng diện tích các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận; mở rộng hợp lý tỷ lệ diện tích trà Mùa sớm và cực sớm, hạn chế gieo cấy giống nhiễm và nhạy cảm với bệnh bạc lá trên chân đất thấp trũng, vùng thường xuyên bị bạc lá; chủ động rà soát những diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đối với cây rau, màu, tiến hành rà soát diện tích gieo trồng của từng chủng loại, tuyên truyền tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, ưu tiên phát triển những loại rau có đầu ra, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh sản xuất quá tập trung 1 loại gây dư thừa sản phẩm, giảm giá, giảm hiệu quả sản xuất.

Đi cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cung cấp ổn định và đảm bảo chất lượng các vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại đến cây trồng./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực