Nâng cao chất lượng tôm giống phục vụ cho việc thả nuôi trong nước

Thứ năm, 11/05/2023 18:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Để nâng cao chất lượng nguồn giống và đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thả nuôi trong nước, theo Tổng cục Thủy sản, cần tập trung hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo và sản xuất tôm giống, đồng thời, chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc vào tự nhiên và nguồn nhập khẩu.
 Tôm giống có vai trò quan trọng trong việc quyết định năng suất và sản lượng của nuôi tôm thương phẩm (Ảnh minh họa: B.T)

Đã hình thành được liên kết giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ tôm giống

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với diện tích thả nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) của nước ta năm 2022 là 747.000 ha, nhu cầu tôm giống khoảng 150 tỷ con. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con (trong đó 200.000 tôm thẻ chân trắng và 50.000 tôm sú). Hiện tại, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống từ nguồn nhập khẩu, khai thác tự nhiên và chọn tạo trong nước.

Cụ thể, các cơ sở trong nước sản xuất được 50.000 con tôm bố mẹ. Trong khi đó, cả nước nhập khẩu 171.496 tôm thẻ bố mẹ; 328 con tôm sú bố mẹ. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, cả nước có 2.104 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 160,2 tỷ con. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta tại các tỉnh Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định) với 687cơ sở sản xuất, ương dưỡng (chiếm 32,6% số cơ sở); sản lượng đạt 72,3 tỷ con (chiếm 45,2% sản lượng của cả nước). Riêng tỉnh Ninh Thuận sản lượng đạt tôm giống đạt 39 tỷ con (chiếm 24,4% sản lượng của cả nước).

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, nhìn chung, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý giống tôm nước lợ nước ta đã đạt những kết quả nhất định. Trong đó, một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức cá nhân chưa tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ. Tiêu biểu như Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra các phương tiện vận chuyển tôm giống qua địa bàn vào những dịp cao điểm thả giống.

Bên cạnh đó, đã hình thành được liên kết giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ tôm giống, góp phần ổn định sản xuất. Với sản lượng tôm giống 160,2 tỷ con, đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của người dân.

Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, hàng năm Bộ NN&PTNT đã tổ chức ký Quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương. Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương và công tác kiểm tra của Tổng cục Thuỷ sản cho thấy, từ khi có Quy chế, việc cung cấp thông tin từ các địa phương sản xuất, cung ứng tôm giống đến các địa phương vùng tiêu thụ được kịp thời, giảm rõ rệt số lượng tôm giống không qua kiểm dịch, tôm giống kém chất lượng. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nước lợ tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Chọn tạo tôm giống theo hướng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh

Năm 2023, theo dự báo, ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao, đặc biệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngay từ các tháng đầu năm 2023 là nguyên nhân gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.

Năm 2023, kế hoạch sản xuất tôm với khoảng 750.000 ha. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con (trong đó, tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140- 150 tỷ con.

Nhằm đáp ứng số lượng tôm giống phục vụ cho nuôi tôm năm 2023 và nâng cao chất lượng tôm giống, theo Tổng cục Thủy sản, cần tiếp tục nghiên cứu và chọn tạo tôm sú bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ vùng nuôi hữu cơ, sinh thái (đến năm 2030 cần 150.000- 200.000 con tôm sú bố mẹ).

Bên cạnh đó, nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh (đến năm 2030 cần 600.000-700.000 con tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ).

Đồng thời, sản xuất giống tôm nước lợ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ cho các vùng nuôi tôm thương phẩm từ đàn tôm bố mẹ được gia hóa, chọn tạo trong nước.

Để đạt được các mục tiêu trên, Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần đề xuất bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo và sản xuất tôm giống. Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị nghiên cứu có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống.

Tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ. Vì vậy, trong nước, cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc vào tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Cùng với đó, điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta. Cần chọn tạo tôm giống theo hướng sạch bệnh, kháng bệnh, tăng trưởng nhanh. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất.

Tổng cục Thuỷ sản cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, thanh tra, xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thuỷ sản. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng tôm giống.

Để có đủ tôm giống, đảm bảo chất lượng cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về giống thủy sản trên địa bàn. Ưu tiên bố trí nhân lực, nguồn kinh phí để triển khai việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương giống tôm nước lợ tại địa phương theo quy định của Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống tôm nước lợ, nhất là đối với các cơ sở sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc hoặc quá thời hạn sử dụng cho cho sinh sản.

Đối với các Hiệp hội sản xuất tôm giống, hướng dẫn hội viên tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xây dựng định hướng chiến lược thúc đẩy hoạt động sản xuất. Hỗ trợ phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất tôm giống.

Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị; xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các bên liên quan trong chuỗi. Vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng con giống. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; nắm vững kế hoạch sản xuất để phát triển thị trường đầu ra./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực