Ngành dệt may tiếp tục hướng đến mục tiêu cao hơn

Thứ tư, 27/11/2024 12:35
(ĐCSVN) - Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Đây là con số ấn tượng trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Trước các xu hướng thuận lợi, năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỷ USD...

Năm 2024 mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Như vậy, toàn ngành xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023.

Kết quả này chủ yếu đến từ việc ngành dệt may đã tận dụng tốt sự chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ các quốc gia như: Trung Quốc, Bangladesh... sang Việt Nam. Cùng với đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc đáp ứng khá tốt với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, yếu tố nữa tác động lớn vào sự tăng trưởng thời gian qua của ngành dệt may Việt Nam là sự đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và mặt hàng sản xuất. Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào 104 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, khối CPTPP và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu tới các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Trước các xu hướng thuận lợi, cũng như với lợi thế 17/19 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 47 - 48 tỉ USD. Tuy nhiên, để duy trì ổn định cũng như đẩy mạnh sản xuất, ngành dệt may cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và sản phẩm có giá trị gia tăng cao; không ngừng tiếp thu, đổi mới công nghệ tự động hóa, quản trị số, chủ động thích ứng trước các yêu cầu, đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu.

Mặc dù hiện nay lượng đơn hàng tương đối dồi dào, nhưng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là về nguồn nhân lực, cũng như đơn giá được dự báo tiếp tục duy trì mức thấp, các doanh nghiệp cần có giải pháp “giữ chân” người lao động, tăng cường đầu tư nhằm nâng cao năng suất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mặt khác, luồng dư luận cũng đang lo lắng khi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu có thể gây bất lợi đối với xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này. Để giữ nhịp tăng trưởng trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có phương án phát triển, mở rộng thị trường mới như các nước thuộc khu vực Trung Đông, Nam Mỹ,… Đồng thời, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị tự động, tăng cường chuyển đổi số, tiến tới xanh hóa dệt may, cắt giảm tối đa các khoản chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng được cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Tuy nhiên, nhu cầu và đơn giá chỉ thật sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng xây dựng các kịch bản phù hợp, trong đó cần lưu ý đến các yếu tố bất ổn, căng thẳng địa chính trị, tiềm ẩn những rủi ro với tâm lý của người tiêu dùng.

Hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp sau khi đầu tư vào "xanh hóa", thuê tổ chức quốc tế đánh giá để cấp chứng chỉ đạt các chuẩn mực LEED Platinum (tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất do Hiệp hội Các nhà đầu tư xây dựng Mỹ chứng nhận)./.

Ngọc Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực