|
Thu hoạch ngao biển tại Nghệ An (Nguồn ảnh: baonghean.vn) |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An, nghề nuôi biển tại địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó có thể kể đến về nuôi ngao bãi triều, năm 2021, diện tích thả nuôi toàn tỉnh đạt 157 ha, bằng 97,51% so với năm 2020; sản lượng đạt trên 4.058 tấn, bằng 100,74% so năm 2020. Trong 10 tháng năm 2022 diện tích nuôi đạt 157 ha. Mật độ thả nuôi bình quân 200 con/m2. Tình hình nuôi ngao bãi triều trong các năm gần đây tương đối thuận lợi, ngao phát triển tốt, tình hình bệnh ít xảy ra.
Về nuôi lồng tại các cửa sông, năm 2021, có 1.111 ô lồng nuôi cá biển (kích cỡ 15-30m3/ô lồng) với các đối tượng như: cá vược, cá hồng mỹ, cá mú, cá chim,...; sản lượng 626 tấn, năng suất bình quân 25kg/m3. Trong 10 tháng năm 2022 số ô lồng đưa vào nuôi đạt 1.055 lồng.
Về nuôi tôm nước lợ ven biển trên địa bàn tỉnh, ngày càng được đầu tư theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Công tác ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng ngày càng được quan tâm và có những bước phát triển tốt. Hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2021, diện tích nuôi đạt 2.400 ha, bằng 103% so cùng kỳ năm 2020; đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt 10.137 tấn. Một số mô hình điển hình đạt năng suất từ 9 - 15 tấn/ha.
Trong 10 tháng năm 2022, diện tích nuôi đạt 2.200 ha, bằng 103,4% so cùng kỳ năm 2021, sản lượng đạt 8.563 tấn, bằng 102,5% so cùng kỳ năm 2021.
Cùng với những kết quả trên, sản xuất giống phục vụ nuôi mặn, lợ tại Nghệ An có những biến chuyển tốt về quy trình sản xuất, tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã làm chủ công nghệ sản xuất, ương dưỡng giống các loại như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, hàu, ngao và cá vược, hồng,… dần đưa Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất các loại giống thủy sản của khu vực Bắc Miền Trung và các tỉnh phía Bắc.
Trong 10 tháng năm 2022, số lượng sản xuất, ương dưỡng giống tôm thẻ chân trắng đạt 2.358 triệu con, bằng 106,41% so cùng kỳ năm 2021. Tôm sú giống, số lượng sản xuất, ương dưỡng đạt 200 triệu, bằng 82,99% so cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, số lượng giống khác gồm: ngao cám 1 tỷ con; cua giống đạt 14 triệu con; cá 0,6 triệu con,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai nuôi biển. Đó là nuôi lồng trên biển chưa phát triển, do đặc điểm vùng biển Nghệ An là biển hở, chịu nhiều ảnh hưởng của gió bão; mặt khác người dân thiếu vốn để đầu tư nên chưa tiếp cận được công nghệ nuôi lồng biển hở, thị trường đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa xây dựng được liên kết theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn hạn chế, nhất là công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, trong những năm tới, để phát triển ngành nuôi biển tại địa phương, Nghệ An sẽ phối hợp với các cấp, ngành sắp xếp, quản lý nuôi trồng thủy sản vùng ven bờ đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; rà soát, cập nhật, tích hợp quy hoạch vùng nuôi biển tập trung vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mặt khác, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các công nghệ để đa dạng đối tượng giống sản xuất có giá trị kinh tế cao, đảm bảo chất lượng và sạch bệnh phục vụ nuôi biển.
Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết và phát triển, đồng thời hỗ trợ hộ ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi; xây dựng các mô hình công nghiệp nuôi biển công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và liên kết theo chuỗi giá trị.
Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cũng cho biết, sẽ kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp có năng lực về kinh tế, khoa học công nghệ đầu tư phát triển sản xuất giống và nuôi lồng trên biển. Xây dựng hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển nuôi biển từ con giống, thức ăn, chế biến,…
Để phát triển nuôi biển, tỉnh Nghệ An kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng và chuyển giao công nghệ nuôi lồng công nghệ cao phù hợp vùng biển hở, nhân rộng mô hình, tạo tiền đề phát triển nghề nuôi lồng biển đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến của các nước về công nghệ lồng nuôi trên biển./.