Các sản phẩm bất động sản được nhà đầu tư Châu Á quan tâm
Báo cáo gần đây từ Savills Prospects cho thấy, tuy trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản tại Châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm 42% về mức 62 tỷ USD, các phân khúc ngách tại khu vực này vẫn tiếp tục thu hút hơn 8 triệu USD vốn đầu tư, cao hơn mức đỉnh vào năm 2022. Các phân khúc ngách được chỉ ra bao gồm bất động sản trung tâm dữ liệu, kho vận và khoa học đời sống. Simon Smith, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Châu Á Thái Bình Dương nhận định, có nhiều lý do thu hút các nhà đầu tư cân nhắc đầu tư vào các phân khúc nhánh tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương.
|
Bất động sản xanh là xu hướng đầu tư mới hiện nay (Ảnh: PV) |
Đầu tiên, các lĩnh vực như trung tâm dữ liệu và khoa học đời sống là những xu hướng lớn của thế giới và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trước xu hướng giảm của bất động sản thế giới. Các phân khúc này được đánh giá có cơ hội tạo ra doanh thu hơn so với việc cho thuê truyền thống. Đồng thời, các lĩnh vực này đều đang trong giai đoạn phát triển ban đầu tại nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư thời điểm này có cơ hội nắm bắt được lợi thế dẫn đầu.
Savills Prospects cũng chỉ ra, số lượng các giao dịch trung tâm dữ liệu trong nửa đầu năm 2023 đạt mức gần tương đương năm 2022. Trong khi đó, số lượng xây dựng các trung tâm dữ liệu đồng thời ghi nhận ở mức cao trong hai năm qua. Ông Smith phân tích: “Nền tảng nội dung, dữ liệu đám mây và sự phát triển của AI đang tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ cần được lưu trữ một cách bảo mật. Nhu cầu đối với các trung tâm dữ liệu từ các “gã khổng lồ” như Microsoft và Amazon cũng như các doanh nghiệp nội địa sẽ trở nên rất lớn trong vài năm tới;từ đó, thu hút thêm nguồn đầu tư đối với loại hình bất động sản này”.
Trong khi đó, các giao dịch về thị trường văn phòng tại Châu Á giảm 56% trong quý 2 của năm nay, giao dịch chuyển nhượng của thị trường bán lẻ đồng thời giảm 49% so với cùng kỳ. Bất động sản công nghiệp nói chung cũng ghi nhận lượng giao dịch đầu tư giảm 14%. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp hiện vẫn ở mức cao hơn với mức trước đại dịch.
Nhận định về tiềm năng đầu tư tại thị trường Châu Á nói chung, ông Smith nhấn mạnh: “Châu Á vẫn còn nhiều tín hiệu tích cực đối với thị trường văn phòng, khi nhu cầu làm việc tại văn phòng đã ghi nhận mức tăng rõ rệt bởi văn hóa làm việc vẫn ưu tiên các hoạt động trao đổi trực tiếp tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, nhu cầu bán lẻ cũng gia tăng khi cửa hàng trực tuyến cũng đang chuyển mình thành địa điểm trải nghiệm thay vì phục vụ mục đích bán hàng thông thường. Hơn nữa, thị trường vẫn cần thêm nguồn cung logistics và bất động sản công nghiệp hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn”.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn
|
Việt Nam vẫn là địa chỉ thu hút đầu tư hấp dẫn của thế giới và khu vực (Ảnh: PV) |
Theo nghiên cứu của Savills Prospects, trong nửa đầu năm 2023, các nhà đầu tư Nhật Bản có những hoạt động sôi nổi nhất với 2,5 tỷ USD được đầu tư mới – cao hơn so với kỷ lục trước đó của họ vào năm 2018 (1,4 tỷ USD). Trong đó, thị trường được các nhà đầu tư Nhật Bản nhắm tới là các nước Đông Nam Á và Úc. Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2023, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về đối tác đầu tư tại Việt Nam, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài và tăng 73,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Việt Nam, báo cáo này cũng cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đạt kết quả ấn tượng, với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tổng giá trị vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng năm 2023, có 1.924 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đăng ký mới đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so cùng kỳ. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký mới, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Nhận định về xu hướng Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “Dòng vốn FDI đang cho thấy nhiều cơ hội khi các dự án mới đăng ký tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua việc hoàn thiện hóa các tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh đi kèm xây dựng mới và nâng cấp các sân bay quốc tế, cảng biến nước sâu. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo nên sức hút đầu tư cho thị trường”.
Ngoài ra, các phân khúc về bất động sản xanh tại Việt Nam cũng được các nhà đầu tư quan tâm, khi các cam kết về ESG và yếu tố xanh trong bất động sản đã trở thành một yêu cầu quan trọng. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài đã có cam kết về giảm thiểu phát thải ròng về 0 đến năm 2030, họ luôn cần lựa chọn Phương án xanh hơn đối với bất động sản, kéo theo nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản xanh được đẩy lên cao. Đòi hỏi các nhà đầu tư tại Việt Nam phải theo kịp thị trường, mang tới thêm các sản phẩm bất động sản đáp ứng các tiêu chí xanh và ESG.
“Xu hướng xanh hóa đã được ghi nhận đối với các sản phẩm văn phòng, bán lẻ, nhà ở và giờ đây đã tới các sản phẩm bất động sản công nghiệp. Một số chủ đầu tư quốc tế và chủ đầu tư Việt Nam hiện đã và đang lên kế hoạch đầu tư vào các giải pháp công nghệ cao cho bất động sản công nghiệp nhằm thu hút thêm nhu cầu nhà xưởng xanh và các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao như điện tử, thiết bị điện, chất bán dẫn. Điều này đồng thời sẽ tác động tích cực tới thị trường, để thị trường phát triển theo xu hướng xanh và bền vững hơn” – ông Matthew Powell đánh giá.