Phát sinh 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1

Thứ ba, 16/05/2023 17:17
(ĐCSVN) - Từ đầu năm 2023 đến nay, phát sinh 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy 9.604 con. Hiện nay, không có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Cập nhật mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, phát sinh 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các tỉnh: Ninh Bình, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Nam. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy 9.604 con. Hiện nay, không có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

So với cùng kỳ năm 2022, diện dịch và mức độ dịch đều giảm. Cụ thể, số ổ dịch giảm hơn 82%, số tỉnh, thành phố có dịch giảm hơn 38% và số gia cầm tiêu hủy giảm 87%.

Triển khai ứng phó với dịch cúm gia cầm, trong các tháng đầu năm 2023, Cục Thú y đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình giám sát chủ động tại các chợ buôn bán gia cầm sống tại 15 tỉnh, thành phố và 1 khu vực giáp biên giới với tổng số mẫu dự kiến 3.584 mẫu gộp (tương đương 17.920 mẫu đơn), đang triển khai từ 1/4/2023.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Cục Thú y đã gửi gần 2.000 mẫu vi rút cúm gia cầm được thu thập từ cuối năm 2021 đến tháng 2/2023 (từ các ổ dịch, chương trình giám sát tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước) đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ để phân tích chuyên sâu. Kết quả phân tích cho thấy không có nhiều khác biệt về các nhánh vi rút cúm gia cầm lưu hành trong năm 2020 – 2021 so với trong năm 2019 – 2020. Không phát hiện mẫu dương tính với vi rút cúm A/H7N9.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng 102,8 triệu liều vắc xin cúm gia cầm; đang bảo quản tại kho 58 triệu liều; dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong Quý 2 là 133,8 triệu liều, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng bệnh, tiêm phòng bao vây chống dịch.

 Chủ động lấy mẫu kiểm tra dịch cúm gia cầm trên đàn gia cầm (Ảnh: B.T)

Theo Cục Thú y, các ổ dịch cúm gia cầm từ đầu năm đến nay là do vi rút A/H5N1 phân bố rải rác tại các tỉnh Đông Bắc và miền Trung, chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, vi rút cúm gia cầm lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%); giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng mạnh, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến.

Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, chuyển lạnh, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển,…/.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực