|
Vùng nuôi cá biển khu vực Bọ Cắn, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (Nguồn ảnh: baoquangninh.com.vn) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh cho biết, 9 tháng năm 2022, diện tích thủy sản nuôi trồng của tỉnh đạt 32.092 ha (tăng 50,66% so với cùng kỳ). Trong đó, riêng về nuôi biển có 2.208 ha cá biển ao đầm, 9.500 ha nuôi nhuyễn thể, 14.502 lồng nuôi cá biển.
Trong 9 tháng năm 2022, đã thả nuôi 3.100 triệu con giống nhuyễn thể, 52 triệu cá biển giống. Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, trong đó có 8 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển, chiếm tỉ lệ 44%.
Với những kết quả trên của nuôi biển, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, địa phương phấn đấu đến hết năm 2025, tổng diện tích nuôi biển đạt trên 8.800 ha, chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; sản lượng nuôi biển chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, khoảng 59.540 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020 – 2025 là 8%. Đồng thời, có 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện về an toàn thực phẩm có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản.
Bên cạnh đó, đáp ứng cơ bản 70% nhu cầu về con giống thủy sản chất lượng cao, sạch bệnh cho các cơ sở nuôi biển của tỉnh. Phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, chủ lực, đặc thù, có khả năng tạo sản lượng lớn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Ninh như: cá biển, nhuyễn thể, giáp xác và thủy hải sản khác.
Mặt khác, xây dựng từ 1 đến 2 mô hình nuôi biển như: trồng rong biển, tôm hùm; xây dựng ít nhất 2 mô hình nuôi biển gắn với du lịch, dịch vụ nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân,…
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản biển giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, sẽ tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, phát triển nuôi biển theo hướng hình thành vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại diện tích, đối tượng nuôi phù hợp; hoàn thiện quy trình nuôi, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; tập trung phát triển nuôi biển công nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật Thủy sản hiện hành; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tương thích với quy định của thị trường nhập khẩu.
Phát triển thị trường nội tỉnh gắn với chương trình OCOP; quy hoạch lại hệ thống chợ đầu mối, hình thành các kênh phân phối hàng thủy sản trong và ngoài tỉnh. Hình thành sàn giao dịch thủy sản tại Quảng Ninh. Duy trì, giữ vững 3 thị trường xuất khẩu chủ lực: Trung Quốc, EU, Nhật Bản; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực có nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, địa phương sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ và phát triển nuôi biển theo các chuỗi liên kết giá trị. Trong đó, xây dựng và hình thành ngành công nghiệp phụ trợ để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi biển trong tỉnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu nổi, lồng nuôi trồng thủy sản, máy móc, tàu thuyền phụ trợ; đầu tư sản xuất thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi biển.
Xây dựng mô hình liên kết sản xuất trong nuôi biển theo chuỗi giá trị sản xuất từ cung ứng vật tư, giống bố mẹ, giống con, sản phẩm thương phẩm đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hình thành các vùng nuôi biển tập trung là đầu mối liên kết theo chuỗi, giảm bớt các khâu trung gian,…/.