Chiều 25/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức Phiên họp bên lề về sản xuất và thương mại sản phẩm nông sản không gây mất rừng.
|
UNDP hỗ trợ Việt Nam quản lý rừng và cảnh quan bền vững (Ảnh chụp màn hình) |
Phiên họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4 - Chương trình Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững - Mạng lưới một Hành tinh – Cùng nhau chuyển đổi.
Phiên họp bên lề hội tụ kinh nghiệm và chuyên môn của các tổ chức cũng như các nghiên cứu điển hình về các biện pháp can thiệp thực hành mới và tốt để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất và thương mại hàng hóa không gây mất rừng.
Tại phiên họp, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, qua phiên họp, đại biểu các bên có cơ hội trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế về các thực hành tốt có thể được áp dụng cho các ngành hàng và các bên liên quan để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam theo hướng bền vững không gây mất rừng trong thời gian tới.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết, UNDP Việt Nam đã và đang hỗ trợ Việt Nam quản lý rừng và cảnh quan bền vững thông qua nhiều chương trình và dự án trong hơn 20 năm qua. UNDP cũng hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng và cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Thỏa thuận Paris, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động REDD+...
Dịp này, ông Patrick Haverman khẳng định, với các quy định và bối cảnh quốc tế gần đây về sản xuất và thương mại bền vững và chuỗi cung ứng không gây mất rừng, UNDP sẵn sàng làm việc với các đối tác chính phủ và khối tư nhân để xây dựng một môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng nông sản không gây mất rừng và hỗ trợ các mô hình thương mại và sản xuất không gây mất rừng, vì lợi ích của môi trường và con người, đăc biệt là các nông hộ nhỏ và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam giới thiệu lộ trình hướng tới các mặt hàng bền vững, không gây mất rừng nhập khẩu vào EU, và các bước cần thiết để chuẩn bị cho các quốc gia thực hiện chính sách này.
|
Hội thảo diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: PV) |
Từ góc độ tài chính, ông Ivan Ivanov, Phụ trách chương trình toàn cầu của IFC về chăn nuôi bền vững chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm đầu tư vào chuỗi giá trị không gây mất rừng. Đặc biệt là các chiến lược tận dụng lợi ích và đầu tư sẵn có trong khu vực công và tư vào các hoạt động sử dụng đất bền vững, không gây mất rừng.
Từ góc độ hiệp hội ngành hàng, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thảo luận về nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong các sáng kiến quốc tế như REDD+, và các chính sách quốc gia như cấm khai thác gỗ, chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình phục hồi rừng. Ông cũng chia sẻ quan điểm của mình về năng lực của các doanh nghiệp và hộ sản xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam trong việc theo kịp các quy định mới và sắp ban hành về các sản phẩm không gây mất rừng.
Ngoài ra, câu chuyện về những nỗ lực nhằm đảo ngược trình trạng mất và suy thoái rừng, đồng thời thúc đẩy sản xuất không gây mất rừng của Cô-lôm-bi-a cũng được chia sẻ. Ông Andres Morales, Điều phối viên hợp tác quốc tế và bền vững, Liên đoàn những người trồng cà phê Cô-lôm-bi-a, cung cấp thông tin về tác động của các cam kết và quy định quốc tế đối với nông dân sản xuất nhỏ. Cụ thể, ông chia sẻ về cách ngành cà phê Cô-lôm-bi-a đối diện với những thách thức do nạn phá rừng và suy thoái rừng gây ra, cũng như cách nông dân sản xuất nhỏ có thể hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang các phương thức sản xuất bền vững hơn.
Phiên họp bên lề nằm trong khuôn khổ dự án ‘Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông", do Liên minh châu Âu tài trợ. |