Số gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục giảm

Thứ tư, 29/03/2023 14:17
(ĐCSVN) - Từ đầu năm 2023 đến ngày 7/3, so với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh bị dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giảm 37,5%, số ổ dịch giảm 87,5%, số gia súc mắc bệnh giảm 93,52%. Số gia súc chết và tiêu hủy giảm 97,06%.
 Triển khai công tác tiêm phòng nhằm phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc (Ảnh: B.T)

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2022, cả nước phát sinh 257 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 17 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 2.290 con, số gia súc buộc tiêu hủy 459 con trâu, bò.

Từ đầu năm 2023 đến 7/3, phát sinh 18 ổ dịch tại 5 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh 113 con, số gia súc buộc tiêu hủy 10 con trâu, bò. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh bị dịch bệnh viêm da nổi cục giảm 37,5%, số ổ dịch giảm 87,5%, số gia súc mắc bệnh giảm 93,52%. Số gia súc chết và tiêu hủy giảm 97,06%.

Thực tế, kết quả sử dụng vắc xin viêm da nổi cục tại nhiều địa phương đã chứng minh giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục bằng vắc xin là hiệu quả và quan trọng nhất.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng 1,6 triệu liều vắc xin viêm da nổi cục; đang bảo quản tại kho 1,3 triệu liều. Dự kiến sản xuất, nhập khẩu quý II là 300 nghìn liều, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng bệnh, tiêm phòng bao vây chống dịch khi cần thiết.

Theo nhận định của Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao. Nguyên nhân do một số địa phương chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò mới, tiêm phòng bổ sung cho trâu bò đã hết thời gian miễn dịch.

Đường truyền lây bệnh đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát. Chăn thả trâu bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu bò gia tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến cực đoan làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Giá trị kinh tế của trâu bò khá cao, do đó, đã có tình trạng người chăn nuôi ở một số địa phương bán chạy, giết mổ gia súc bị bệnh,.../.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực