Sóc Trăng: Phấn đấu hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm tôm

Thứ tư, 15/03/2023 14:30
(ĐCSVN) - Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong sản xuất tôm nước lợ năm 2023, Sóc Trăng sẽ tập trung phát huy vai trò của các tổ, nhóm sản xuất trong việc hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị để hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
 Một mô hình nuôi tôm nước lợ tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng mang lại hiệu quả cao
(Ảnh: Thanh Nam)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, về sản xuất tôm nước lợ, kết quả thả nuôi cả năm 2022 đạt 54.660 ha, vượt 7,18% kế hoạch (51.000 ha), tăng 5,61% so với năm trước, trong đó tôm thẻ chân trắng 41.460 ha (chiếm 75,9% diện tích thả nuôi), tôm sú 13.200 ha (chiếm 24,1% diện tích thả nuôi).

Sản lượng tôm nuôi đến cuối năm 2022 đạt 201.000 tấn, tăng 4,04% so với năm trước, bằng 7.798 tấn, trong đó, sản lượng tôm sú 25.000 tấn, giảm 1,91% so với năm trước (do thời gian nuôi tôm sú dài nên người nuôi chuyển sang nuôi tôm thẻ); sản lượng tôm thẻ chân trắng 176.000 tấn, tăng 4,94% so với năm trước (chủ yếu do sản lượng tăng ở diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh).

Nhìn chung, vụ nuôi tôm năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn do ngay đầu vụ nuôi, độ mặn thấp, giá vật tư đầu vào đều tăng làm chậm tiến độ thả nuôi đầu vụ. Tuy nhiên, bước qua những thách thức, khó khăn, vụ nuôi tôm năm 2022 vẫn được đánh giá là một vụ cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 5,3%.

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 51.000 ha (tôm sú 12.000 ha, tôm thẻ chân trắng 39.000 ha. Tổng sản lượng tôm nước lợ khoảng 206.700 tấn (tôm sú 22.200 tấn, tôm thẻ chân trắng 184.500 tấn).

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, trong năm 2023, Sóc Trăng sẽ tập trung phát huy vai trò của các tổ, nhóm sản xuất trong việc hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị để hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc chất lượng tôm giữa các địa phương sản xuất giống và địa phương nuôi thương phẩm. Không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền về hình thức, nội dung và phương pháp hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận dụng công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử, email, báo đài… để thông tin được truyền đi và tiếp nhận lại phản hồi của người dân một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Đặc biệt, Sóc Trăng sẽ chú trọng tập huấn hình thức hội thảo theo từng chuyên đề, hội thảo đầu bờ… với nội dung phù hợp với tình hình thực tế đang diễn ra thông qua việc phối hợp với các chuyên gia của các Viện, Trường và những người sản xuất giỏi. Qua đó, trao đổi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn mà người nuôi gặp phải.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bơm chích tạp chất trong thủy sản nuôi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ cùng các Sở, Ngành có liên quan trong công tác kiểm soát môi trường vùng nuôi tôm; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh vùng nuôi để kịp thời đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo, giúp người nuôi chủ động sản xuất, giảm tỷ lệ thiệt hại trước diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực