Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Nam Phi

Thứ hai, 18/09/2023 16:37
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ Ngày Việt Nam ở Nam Phi năm 2023 và nhân dịp chuyến thăm chính thức Nam Phi của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân từ ngày 13-16/9/2023, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp tổ chức “Tọa đàm hợp tác kinh tế Việt Nam - Nam Phi” ngày 14 tháng 9 năm 2023.
Tọa đàm hợp tác kinh tế Việt Nam – Nam Phi  (Ảnh: CXT)

Tọa đàm có sự tham dự của bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nomalungelo Gina, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi cùng hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ hai nước, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi.

Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao ý nghĩa của Tọa đàm, là hoạt động thiết thực tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước giao lưu, tiếp xúc, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tạo dựng niềm tin để cùng khai thác những tiềm năng, cơ hội kinh doanh trong môi trường kinh tế ngày càng hội nhập theo hướng toàn cầu hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới (hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 410 tỷ USD). Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 735 tỷ USD và là thành viên đầy đủ của 16 FTA với hầu hết các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.

Về quan hệ thương mại song phương, Thứ trưởng vui mừng ghi nhận, Việt Nam và Nam Phi đã có những bước phát triển rất tốt đẹp, tạo đà cho hợp tác kinh tế, thương mại phát triển. Trong giai đoạn 2018-2022, quy mô thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nam Phi duy trì đà tăng trưởng tích cực, bình quân đạt trên 1,2 tỷ USD mỗi năm. Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nam Phi cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: hàng dệt may, da giày, thuỷ hải sản, hàng gia dụng, cà phê, hóa chất, dược phẩm... của Việt Nam hay các sản phẩm về linh phụ kiện ô tô, khoáng sản (than, ti-tan, đất hiếm…), da thuộc, trái cây… của Nam Phi.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ hai nước sẽ là nền tảng quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chức năng của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Nam Phi để làm cầu nối, hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai. Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chức năng cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cam kết luôn chia sẻ, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để giúp các doanh nghiệp Nam Phi đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: CXT)

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Nam Phi vẫn khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng của mình tại châu Phi. Nam Phi hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 tại châu lục và là đầu tàu kinh tế trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi.

Chào mừng Tọa đàm, bà Nomalungelo Gina, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh của Nam Phi chia sẻ, Việt Nam và Nam Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài và năm 2023 đánh dấu 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bà Gina đã bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế, thương mại mạnh mẽ của Việt Nam và cho rằng nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung cho nhau. Hai Bên cần nỗ lực trong tìm kiếm các cơ hội hợp tác, định hướng và kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa hơn nữa các lĩnh vực hợp tác như công nghiệp ô tô, hóa chất, phân bón, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, khai khoáng, chế biến gỗ, bột giấy, dược phẩm,…

Thứ trưởng BộThương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi Nomalungelo Gina cho rằng, Nam Phi có sẵn vị trí chiến lược tại châu Phi, qua đó, Việt Nam có thể coi Nam Phi như một thị trường cửa ngõ để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước còn lại của lục địa, một thị trường với hơn 1,3 tỷ dân. Bà Thứ trưởng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Nam Phi trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ, nông nghiệp…

Tại Tọa đàm, đại diện của hai Bộ Công Thương, Chính quyền một số địa phương Nam Phi như Mpumalanga, KwaZulu-Natal và doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng và dược phẩm đã trình bày tham luận về tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi.

Tại Phiên kết nối doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp hai nước đã gặp gỡ, trao đổi, thảo luận tích cực, giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp mình cũng như đề xuất các cơ hội để tìm đối tác kinh doanh, hợp tác với nhau. Công ty Cổ phần Gspharm, Việt Nam và Công ty TNHH Hóa dược Mothopo, Nam Phi đã ký kết Thỏa thuận hợp tác ngay sau Phiên kết nối.

Phiên kết nối doanh nghiệp nói riêng và Tọa đàm nói chung đã đạt kết quả tốt, thực chất, mở ra nhiều triển vọng trong hợp tác giữa hai bên, góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Nam Phi trong thời gian tới.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực