Thống nhất thực hiện Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam

Thứ sáu, 28/10/2022 17:12
(ĐCSVN) - Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu nhằm tạo sự thống nhất trong thực hiện Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Theo Bộ Tài chính, kể từ khi ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-TT quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu, định kỳ, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, ngành kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường một số mặt hàng cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong từng thời kỳ.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và căng thẳng giữa Nga – Ukraine, nhiều nước có nhà máy lọc dầu đã đẩy mạnh việc mua dầu thô từ các nước ở Trung Đông, châu Phi, châu Á và Azerbaijan làm cho giá dầu thô tăng cao. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao khó lường, cộng thêm các khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới, việc nhập khẩu dầu thô từ các thị trường truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu bổ sung để ổn định, duy trì sản xuất góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho thị trường trong nước là rất cần thiết. Theo đó, Bộ Tài chính thấy rằng cần rà soát để sửa đổi, bổ sung phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh giá cả một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đang diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng.

Theo Bộ Tài chính, hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất thông thường là hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chưa ký kết các Hiệp định thành lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với nước ta. Đây là những loại hàng hóa không thuộc diện áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất FTA). Qua thống kê, phần lớn hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt. Số lượng hàng hóa phải áp dụng thuế suất thông thường chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta.

Bộ Tài chính cho biết, hiện có 161/196 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của WTO. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước chưa gia nhập WTO thuộc đối tượng chịu thuế suất thông thường chỉ chiếm khoảng 0,06% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế. Năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 89,9 triệu USD, số thu thuế nhập khẩu đạt 22,7 tỷ đồng. Năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 18,1 triệu USD, số thuế nhập khẩu là 29,6 tỷ đồng. Đây là hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia chưa ký kết thỏa thuận đối xử tối huệ quốc với Việt Nam nên chủ yếu là những quốc gia gần như không có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam.

Quá trình thực hiện cho thấy việc quy định mức thuế suất thông thường 5% đối với những hàng hóa đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 0% hầu như không làm tăng chi phí đầu vào sản xuất và không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp do kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thông thường chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Đồng thời, về cơ bản đạt được các mục tiêu, yêu cầu khi ban hành; đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, thể hiện nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ thương mại với các nước. Đồng thời, việc quy định cụ thể Danh mục các mặt hàng áp dụng thuế suất thông thường tại các Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ đã tạo thuận lợi cho người khai hải quan và cơ quan Hải quan minh bạch rõ ràng trong thực thi chính sách. Qua quá trình triển khai thực hiện, một số vướng mắc đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Mới đây, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu. Bộ Tài chính cho biết, Quyết định sẽ đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tuân thủ nguyên tắc ban hành biểu thuế suất, khung thuế suất và thẩm quyền ban hành biểu thuế suất, khung thuế suất quy định tại Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu, đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và theo đúng quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quan điểm xây dựng Dự thảo Quyết định của Bộ Tài chính là sẽ thống nhất trong thực hiện Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; tạo thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan hải quan và cho hoạt động nhập khẩu. Đồng thời sẽ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đảm bảo minh bạch, thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan hải quan; đảm bảo phù hợp với đường lối đối ngoại và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế của nước ta; thể hiện nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ thương mại với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự thảo Quyết định cũng sẽ đảm bảo tuân thủ Danh mục AHTN 2022.

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực