Thuận lợi và khó khăn cho tăng trưởng kinh tế từ nay đến hết 2022

Thứ ba, 19/07/2022 17:38
(ĐCSVN) – Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam quý 2 và 6 tháng năm 2022 đang trên đà hồi phục nhanh sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42%, trong đó quý II tăng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay.
Kỳ vọng vào sự tăng trưởng khả quan của nền kinh tế trong nước từ nay đến hết 2022
(Ảnh: PV) 

Những tín hiệu tăng trưởng khả quan

Thứ nhất, ngành dịch vụ mà chủ yếu là dịch vụ thị trường hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam được khống chế, mọi hoạt động trong đời sống xã hội dần diễn ra bình thường như trước đại dịch, du lịch trong nước và quốc tế khởi sắc. Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao 2 con số trong quý II (những ngành này quý II năm trước tăng trưởng âm) như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 30%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,7%; nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14%; hoạt động dịch vụ khác tăng 16,6%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khu vực dịch vụ tăng 6,6% thể hiện sự phục hồi tốt sau đại dịch.

Thứ hai, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,8%; quý II tăng 10,8%). Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 11,2%.

Thứ ba, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tăng 11,7% (tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây), thể hiện cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân đã hồi phục và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, tham gia vào sản xuất và ổn định thu nhập.

Thứ tư, khách quốc tế đến nước ta 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa sôi động trở lại sau đại dịch, các bãi biển, địa điểm du lịch đông khách.

Thứ năm, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng khá so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Thứ sáu, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua.

Thứ bảy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, tạo đà cho phát triển trong các quý tiếp theo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6%. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4%.

Một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục

Bên cạnh đó, cũng theo Tổng cục Thống kê, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần khắc phục bao gồm:

Một là, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Do đó, chi phí sản xuất tăng làm cho giá sản phẩm chăn nuôi nhiều khả năng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi lợn.

Hai là, giá dầu thô, khí đốt thế giới tăng cao do ảnh hưởng chiến tranh Nga - U-crai-na, các nước cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Nga làm giá xăng dầu trong nước tăng cao dẫn tới tăng chi phí đầu vào các ngành sử dụng xăng dầu, gây áp lực trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc Hội đề ra.

Ba là, vận chuyển hành khách chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm các năm 2017-2019 (lần lượt là 9,3%; 9,9%; 10,7%).

Bốn là, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 xuất siêu 710 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức xuất siêu 5,86 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020 (năm bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19). Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng giảm như: rau quả giảm 17,2%; hạt điều giảm 7,8%; chè giảm 1,3%; clanh ke và xi măng giảm 7,7%; sản phẩm từ cao su giảm 12%.

Năm là, giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistic... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực