|
Doanh nghiệp hai nước quan tâm đến cơ hội hợp tác kinh doanh (Ảnh: CXT) |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Bờ Biển Ngà do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng lãnh sự danh dự Bờ Biển Ngà tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 14/11.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Việt Anh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trải qua 30 năm thiết lập mối quan hệ, hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Bờ Biển Ngà đã khẳng định được tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước. Năm 2021, Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi với tổng kim ngạch hai chiều đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 266,2 triệu USD, tăng 1,2% và nhập khẩu đạt 992,3 triệu USD, tăng 54%.
Riêng 9 tháng 2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 855,7 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 289,1 triệu USD và nhập khẩu đạt 566,6 triệu USD. Về cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà chủ yếu là các mặt hàng gạo, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, hàng hải sản, chất dẻo nguyên liệu... Bờ Biển Ngà là nước cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho sản xuất trong nước của Việt Nam, chủ yếu là hạt điều thô (thường chiếm 80-90% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này), bông, gỗ.
Kể từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam đã linh hoạt, chủ động đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại, chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại mới, kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp, nhờ vậy đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận từ xa đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch mà vẫn đạt hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thụy Quế Phương, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thị trường Bờ Biển Ngà không phải là thị trường mới đối với thủy sản Việt Nam, tuy nhiên lượng xuất khẩu sang thị trường này tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, trong năm 2020 xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà đạt 3,6 triệu USD, năm 2021 đạt 6,65 triệu, tăng 84,7%, 10 tháng 2022 xuất khẩu đạt 5,95 triệu USD tăng 1,3%.
Các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là cá tra và cá chim, đây là 2 sản phẩm chiếm hơn 90% tỷ trọng xuất khẩu. Trong đó cá tra chiếm 49%, cá chim chiếm 43%, cá ngừ chiếm 5%, và cá rô phi chiếm 3%.
“Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bờ Biển Ngà còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,06% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam. Hiện chỉ có 16 công ty tham gia xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp này còn rất nhỏ và tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Đối với sản phẩm xuất khẩu cũng chưa được phong phú. Điều này cho thấy, thị trường Bờ Biển Ngà chưa được quan tâm phát triển. Trong khi đó, dư địa thị trường vẫn còn nhiều. Chính vì vậy, đây sẽ là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam trong tương lai”, bà Trần Thụy Quế Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hội lương thực Việt Nam cũng cho biết, hiện nay Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 546.976 tấn, tương đương 246,9 triệu USD, giá 451,4 USD/tấn, tăng mạnh 94,4% về lượng và tăng 71,2% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so cùng kỳ năm 2021. Sản lượng gạo xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng, song hiện tại các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, cơ chế chính sách của các nước. Đặc biệt là vấn đề thanh toán, mở tín dụng thư L/C.
Trong thời gian qua, dịch COVID-19 cùng với cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine khiến việc giao hàng bị chậm trễ, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Đặc biệt, Bờ Biển Ngà nói riêng và các nước châu Phi nói chung khá xa nên việc nắm bắt thông tin, thị hiếu của doanh nghiệp Việt Nam gặp khó.
Thông qua các chương trình kết nối, giao thương, xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp 2 bên sẽ có những giải pháp khắc phục khó khăn, có thêm thông tin và tham gia vào hệ thống phân phối của Bờ Biển Ngà với nhiều phân khúc khác nhau. Từ đó, xây dựng vùng nguyên liệu và có kế hoạch xuất khẩu hiệu quả với chất lượng cao và lâu dài.