VLAS được kỳ vọng sẽ là một diễn đàn thường niên chuyên nghiệp và dễ tiếp cận, nơi các nhà chuyên môn giáo dục có thể trao đổi những cách nhìn đa chiều về kiểm tra đánh giá và khảo thí ngoại ngữ trong bối cảnh hiện nay.
|
|
Học Tiếng Anh trong giai đoạn mới cần có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả (Ảnh: PV) |
Tiếp nối thành công của VLAS 2017 tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội đồng Anh và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp tục đồng tổ chức Hội nghị VLAS lần thứ hai tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 16 và 17/11 với chủ đề “Đánh giá trên lớp học” với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Anh Việt Nam và hơn 250 đại biểu gồm các nhà quản lý giáo dục, giáo viên trung học phổ thông, giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia cho biết: Hội nghị nhằm chia sẻ chuyên môn trong việc kết nối kiểm tra đánh giá với dạy học bằng các phương thức đánh giá thường xuyên, định kỳ và bài thi cuối cấp, hướng tới hỗ trợ giáo viên cấp Trung học phổ thông, giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý có cách nhìn sâu hơn và đẩy mạnh việc áp dụng kiểm tra đánh giá định kỳ, thường xuyên – xu hướng mới trong kiểm tra đánh giá bên cạnh đánh giá bằng bài thi cuối kỳ.
Tại Hội nghị, bà Donna McGowan - Giám đốc quốc gia của Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, VLAS 2019 đánh dấu năm thứ hai hợp tác của Hội đồng Anh và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia trong việc tạo một diễn đàn chuyên nghiệp và dễ tiếp cận cho các giáo viên, các nhà chuyên môn giáo dục trao đổi quan điểm về một chủ đề quan trọng – Đánh giá trong lớp học. Trọng tâm là kết nối hoạt động kiểm tra đánh giá và giảng dạy trên cả hai phương diện: đánh giá trong quá trình học và đánh giá bằng bài thi.
Tại phiên toàn thể chủ đề “Thực tiễn kiểm tra đánh giá ngoại ngữ cấp Trung học phổ thông: Xu thế và phương hướng phát triển trong tương lai”, các diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về khảo thí trong và ngoài nước đã phân tích các bài thi, xu hướng tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh ở châu Á và các quốc gia có bối cảnh giáo dục tương tự Việt Nam cũng như phân tích ảnh hưởng của những kỳ thi quan trọng này với việc giảng dạy và học tập.
Theo các chuyên gia, môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) được coi là môn thi bắt buộc trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2015 và cấu trúc bài thi được giữ cố định từ năm 2016. Cùng với đó, chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành ở Việt Nam năm 2018 quy định môn Tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 tới lớp 12 (kéo dài 10 năm) và được sử dụng song song với chương trình cũ kéo dài 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12). Hai chương trình này khác nhau nhiều về phương pháp và mục tiêu dạy học tiếng Anh, nhưng học sinh theo học cả hai chương trình đều tham dự một kỳ thi trung học phổ thông môn tiếng Anh. Vì thế, nhất thiết cần có thêm nghiên cứu về những ảnh hưởng của kỳ thi hiện nay đối với việc dạy và học tiếng Anh, về sự phù hợp của kỳ thi này trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành và khả năng cần thiết kế một hình thức đánh giá mới trong môn tiếng Anh.
Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy tiếng Anh chuẩn mới cho học sinh tập trung vào phát triển năng lực ngôn ngữ của người học, từ đó đòi hỏi giáo viên cần chuyển hướng từ tập trung đánh giá kiến thức ngôn ngữ sang đánh giá năng lực ngôn ngữ trong giảng dạy.
Cũng tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về một số chủ đề đang được quan tâm hiện nay như giáo viên trong công tác đánh giá, công cụ đánh giá quá trình nhằm thúc đẩy hợp tác và sáng tạo về thực hành giảng dạy tiếng Anh, hiệu quả của hồ sơ điện tử trong đánh giá quá trình kỹ năng nói ở bậc đại học, thực hành đánh giá ngôn ngữ trên lớp.