|
Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử |
Tại Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra ngày 19/10, các chuyên gia thương mại và doanh nghiệp đều có chung nhận định, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Ông Nguyễn Thành Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, dẫn chứng sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới. Chỉ tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt hơn 80.000 tỷ đồng. Tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp còn rất lớn.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết: “TMĐT là một phương thức kinh doanh mà chúng tôi cảm thấy rất hiệu quả trong những năm gần đây. TMĐT giúp kết nối giữa doanh nghiệp và người bán rất nhanh chóng. Thay vì như trước đây doanh nghiệp tham gia các cuộc triển lãm ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kênh tiêu thụ, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí, thì với TMĐT sản phẩm của chúng tôi được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm của chúng tôi đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới”.
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cũng chia sẻ, Alibaba.com đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng trong việc tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới. Nhờ TMĐT, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam gia tăng đáng kể, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn sau dịch COVID-19 và suy giảm cầu hàng hóa trên thị trường thế giới hiện nay.
Với tốc độ phát triển đứng phát triển nhanh đứng Top 3 ở trong khu vực Đông Nam Á, các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách cho rằng, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam dự kiến có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027, nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.
Ông Dương cho hay, cụ thể hóa Quyết định 1968/QĐ-TTg (ngày 22/11/2021), đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công thương triển khai nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác, kết nối với các nền tảng TMĐT. Qua đó, các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhằm nâng cao năng lực canh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương đang phối hợp với sàn TMĐT Alibaba.com, xây dựng và phát triển “Gian hàng quốc gia Việt Nam” - Vietnam Pavilion trên sàn TMĐT Alibaba.com. Mục đích là để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tới khách hàng quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Ông Nguyễn Thành Dương cho rằng, sàn TMĐT này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì có hơn 260 triệu người dùng, 47 triệu nhà mua hàng, doanh nghiệp trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo kế hoạch, “Gian hàng quốc gia Việt Nam” sẽ tập hợp 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia, dự kiến ra mắt vào tháng 12/2023.
Để gian hàng quốc gia Việt Nam thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn, bà Phương Uyên - đại diện Alibaba.com Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý và có giải pháp khắc phục.
Theo bà Phương Uyên khó khăn nhất với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các sàn TMĐT quốc tế là rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng marketing, sử dụng công cụ tiếp thị có sẵn trên sàn… dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng tốt những công cụ kỹ thuật số mà các nền tảng cung cấp để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu; trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu cơ hội, đặc biệt ở các thị trường có các hiệp định thương mại tự do.