Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tiến tới thực hiện mục tiêu của cả năm 2023

Thứ ba, 11/07/2023 08:39
(ĐCSVN) - Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023 công bố định kỳ mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, dù khó khăn nhưng kinh tế vẫn còn duy trì một số hiệu quả khả quan ở một số ngành, nghề, lĩnh vực…

Chủ động tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế

Cụ thể, về nông nghiệp, diện tích gieo cấy lúa Đông - Xuân cả nước năm 2023 đạt 2.952,5 nghìn ha, bằng 98,7% vụ đông xuân 2022 với năng suất ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha; sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thu hoạch nhiều loại cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm 2022 do thời tiết thuận lợi và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng qua phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh mới (Ảnh tư liệu) 

Cũng trong quý II/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 87,3 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2022; diện tích rừng bị thiệt hại là 913,4 ha, gấp 2,5 lần. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 125,5 nghìn ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2022; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.168 ha, tăng 92,8%.

Đáng chú ý, sản lượng thủy sản quý II/2023 ước đạt 2.370,4 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 4.270,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ 2022.

Đối với sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ 2022, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,2% so với cùng thời điểm 2022.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ 2022  (Ảnh: PV)

Báo cáo của Tổng cục Thống kê còn chỉ ra, trong tháng 6, cả nước có 13,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ 2022; 7,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% và gấp 3,2 lần; 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 4,9% và giảm 0,5%; có 5.749 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,9% và tăng 11,7%; có 1.482 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% và giảm 12,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

 
Thương mại, dịch vụ gia tăng theo chiều hướng tốt (Ảnh: PV) 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 505,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2022.

Vận tải hành khách tháng 6/2023 ước đạt 355,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,9% so với tháng trước và luân chuyển 19,8 tỷ lượt khách/km, tăng 3,1%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 2.178,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2022 và luân chuyển đạt 118,4 tỷ lượt khách/km, tăng 32,4%. Vận tải hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 186,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,7% so với tháng trước và luân chuyển 39,4 tỷ tấn/km, tăng 3,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.109 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2022 và luân chuyển 232,5 tỷ tấn/km, tăng 14,8%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2023 đạt 975 nghìn lượt người, tăng 6,4% so với tháng trước và gấp 4,1 lần cùng kỳ 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ 2022 nhưng vẫn chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2023 theo giá hiện hành ước đạt 774,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2022. Ước tính 6 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2022. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 12,6% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2022.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 147 triệu USD, giảm 51,2% so với cùng kỳ 2022. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2022.

6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (Ảnh: PV) 

Dù giảm cả về xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Báo cáo còn nhận định một số tình hình - xã hội khả quan trong đó đề cập tới tình hình lao động, việc làm quý II năm 2023 có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; đời sống của hộ dân cư trong 6 tháng đầu năm 2023 được cải thiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Cụ thể, lao động có việc làm quý II/2023 tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ 2022; tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ 2022; tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%.

Tính đến ngày 19/6/2023, theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội gần 1,79 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 2,8 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là 65,4 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (Ảnh: PV) 

Chia sẻ về nhóm giải pháp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, sự ổn định kinh tế để lấy động lực tiến tới thực hiện mục tiêu cả năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nêu ra 6 nhóm giải pháp cơ bản gồm:

Một là, theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu, năng lượng, xây dựng các phương án đảm bảo nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến, giảm thiếu tác động của lạm phát tới đời sống của nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm… Đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng trong mùa cao điểm nắng nóng. Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thế giới suy giảm như: da giầy, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ… Triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh đang vào vụ thu hoạch.

Ba là, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch, thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao; đánh giá tác động để có phản ứng phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu trong đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bốn là, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý; tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công: công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng…

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm…

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước  trên các lĩnh vực, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật, gây hoang mang dư luận, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực