|
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 13,4% (Ảnh: A.N) |
Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%.
Kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch COVID-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới, thì thị trường trong nước cần tiếp tục được chú trọng phát triển mạnh mẽ hơn, giữ vững vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để che giấu ma tuý, tiền chất sản xuất ma tuý...