Cũng theo Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50%-75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm).
Trong khi đó, lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022. So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200%. Tốp 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Úc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức, Thái Lan.
|
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện vẫn chưa đạt được con số như mong muốn. (Ảnh minh họa: HL) |
Đáng chú ý, Ấn Độ, quốc gia khu vực Nam Á có dân số hiện nay khoảng 1,4 tỷ, đứng thứ 4 trong 10 nước tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam, cho thấy tiềm năng khá lớn đến từ thị trường nguồn này.
Ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong tốp 10 nước tìm kiếm về du lịch Việt Nam. Đây là 2 thị trường nguồn quan trọng của Việt Nam. Ở khu vực châu Âu, các thị trường Anh, Đức, Pháp đang cho thấy sự quan tâm đến du lịch Việt Nam.
Các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 7/2022 Việt Nam đón 352,6 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 49% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022 đón 954,6 nghìn lượt, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trong 7 tháng đầu năm đạt 62%/tháng. Trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu, trừ thị trường Mỹ, 9 thị trường còn lại đều từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương: Hàn Quốc xếp thứ nhất với 196,2 nghìn lượt, tăng 903,7% so với cùng kỳ. Mỹ đứng thứ 2 với 102,9 nghìn lượt, tăng 5.382%. Khu vực Đông Bắc Á có Nhật Bản với 46 nghìn lượt, tăng 794,6%; Đài Loan đạt 36,7 nghìn lượt, tăng 395,9%; Trung Quốc tăng nhẹ 34,5%, với 53 nghìn lượt.
Trong tốp 10 thị trường, khu vực Đông Nam Á có tới 4 thị trường là Campuchia đạt 60,4 nghìn lượt, xếp thứ 3 trong tốp 10 thị trường. Singapore đạt 50,5 nghìn lượt, xếp thứ 5; Thái Lan: 39,7 nghìn lượt, xếp thứ 8; Malaysia: 35,9 nghìn lượt, xếp thứ 10. Các thị trường từ châu Âu dù số lượng khách chưa đông nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao. Lượng khách lớn nhất đến từ Anh (26,4 nghìn lượt, 2958,6% so với cùng kỳ), Pháp (23,4 nghìn lượt, tăng 2963,7%), Đức (23,6 nghìn lượt, tăng 3897,1%).
Năm nay, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế hiện vẫn chưa đạt được con số như mong muốn. Trước những diễn biến mới của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã cùng với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không và các điểm đến lên kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường gần khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu.