Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn tại gian hàng tại AgroViet 2018. (Ảnh: HNV)
Tiền thân là Chương trình Đầu tư tác động Xã hội (Impact Investment) do Oxfam và CSIP triển khai từ tháng 4/2014, Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển (Enterprising for Development – EFD) đã chính thức được triển khai từ tháng 7/2015 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2018.
Tạo tác động xã hội tích cực tới hộ nông dân qui mô nhỏ, phụ nữ nghèo và thanh niên
Chương trình EFD đã và đang hỗ trợ nâng cao năng lực cho 40 doanh nghiệp trên khắp cả nước, những doanh nghiệp đang tạo tác động xã hội tích cực lên cho các hộ nông dân qui mô nhỏ, phụ nữ nghèo và thanh niên.
Qua triển khai, EFD đã thực hiện gần 100 khóa đào tạo chung về quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực, xây dựng kênh bán hàng, xây dựng thương hiệu và marketing. Đặc biệt cung cấp các khóa đào tạo về Kinh doanh tạo tác động xã hội, về trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp.
Đại diện cán bộ dự án và các doanh nghệp tham gia gian hàng EFD tại AgroViet 2018. (Ảnh: HNV)
Cũng từ đây, hơn 600 lượt lãnh đạo và cán bộ quản lý của các doanh nghiệp đã được đào tạo, trong đó gần 60% là lãnh đạo nữ đồng thời cung cấp 41 gói hỗ trợ chuyên sâu, tư vấn đồng hành cùng doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng, cung cấp hơn 8.000 giờ tư vấn cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội giao lưu kết nối chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp với các nguồn hỗ trợ kỹ thuật khác cũng như kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư tác động.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương Thủy, cán bộ dự án cho biết, điểm nổi bật của các doanh nghiệp mà EFD đã hỗ trợ nằm ở việc kinh doanh, chế biến tạo ra các sản phẩm nông nghiệp tốt, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các khách hàng trong nước và quốc tế, đồng thời tạo ra tác động xã hội tích cực lên cho các hộ nông dân qui mô nhỏ, phụ nữ nghèo và thanh thiếu niên. Song song là tạo ra các chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân qui mô nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho bà con nông dân và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tạo công ăn việc làm cho các chị em phụ nữ nghèo, giúp cho họ có thu nhập ổn định mà ở ngay chính quê hương họ. Nhất là, thông qua các mô hình kinh doanh, giúp khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống như dệt lụa, làm cói, đan lát, thêu …
Thống kê cũng cho thấy, chương trình đã tạo lập nên các doanh nghiệp ở đó mang lại cơ hội việc làm cho 4.821 trong đó gần 80% là nữ, mang về 12.676 hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân và thu mua thường xuyên của 6.635 hộ dân.
Đưa thông điệp về câu chuyện doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Kết quả tích cực có được từ dự án. (Ảnh: BTC)
Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Giám đốc công ty trà và đặc sản Tây Bắc tâm sự, việc khai thác và phát triển bền vững vùng Chè Shan tuyết đặc sản Tà Xùa và các sản phẩm bản địa của vùng núi phía Bắc hiện nay mà công ty triển khai chính là nhằm mang lại giá trị cao hơn và hiệu quả kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số.
Theo bà Thắm, công ty đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của gần 600 hộ dân ở xã Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, dạy bà con cách thu hái chè đạt chất lượng và hiệu quả cao, duy trì phát triển vùng chè shan tuyết cổ thụ và phát triển các sản phẩm thương mại từ chè Shan Tuyết.
Chia sẻ về hoạt động dự án chương trình EFD mà công ty tham gia, bà Thắm cho hay, công ty đã nhận được 260 giờ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp, nhiều khóa đào tạo kiến thức về quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là khóa đào tạo xây dựng thương hiệu. Sau 1 năm tham gia chương trình, công ty đã xây dựng được 2 thương hiệu trà là ShanVie và Shanam, các sản phẩm chè của 2 thương hiệu này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của thị trường. “Doanh nghiệp đã nhận thức rõ tác động xã hội từ chuỗi giá trị hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, năng lực quản trị được nâng cao giúp chúng tôi định hướng và điều hành doanh nghiệp phát triển đúng đắn và bền vững hơn” - bà Thắm nói.
Đồng quan điểm này, Giám đốc công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam Nguyễn Thị Huyền khẳng định, dự án EFD đã hỗ trợ doanh nghiệp gói đào tạo chuyên sâu về hệ thống quản trị nhân sự và đánh giá về khả năng áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ cho vùng nguyên liệu. Sau hơn 1 năm tham gia dự án, công ty đã quyết định đầu tư các chương trình tập huấn cho bà con nông dân, xây dựng qui trình kiểm soát chất lượng khâu trồng trọt và chế biến và cuối năm 2017, công ty đã có Chứng nhận Hữu cơ tiêu chuẩn EU và tiêu chuẩn Nhật bản cho 439 hộ dân ở Yên Bái và Lạng Sơn. Cùng với việc công ty có thể bán các sản phẩm quế hồi hữu cơ với giá cao hơn nhiều, bà con ở vùng nguyên liệu hữu cơ có thể bán sản phẩm với giá cao hơn tới 20% so với giá mọi khi. “Chúng tôi thấy doanh nghiệp trưởng thành và có định hướng rõ ràng hơn, đặc biệt công ty đã bước đầu hình thành được hệ thống quản trị nhân sự chuyên nghiệp đáp ứng tầm nhìn phát triển bền vững 3-5 năm tới” - bà Huyền chia sẻ.
Những con số ấn tượng EFD mang lại trong thời gian qua. (Ảnh: BTC)
Đến từ công ty Nông trại Nông sản Phủ Quỳ, nữ giám đốc Nguyễn Thị Lê Na bày tỏ, dự án EFD đã hỗ trợ cho công ty gói hỗ trợ chuyên sâu về xây dựng hệ thống quản lý tài chính và xây dựng chiến lược kinh doanh trung dài hạn, dự án cũng giúp chị kết nối với chuyên gia tư vấn kỹ thuật từ Hà Lan để giúp chị nâng cao chất lượng của các sản phẩm cam chế biến, nâng cao giá trị của sản phẩm và tăng giá trị cho cây cam. Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Na cho biết, công ty là một lứa doanh nghiệp tạo tác động xã hội được lựa chọn để đánh giá và hỗ trợ tư vấn phát triển thông qua EFD mà doanh nghiệp không mất phí. Thông qua đây, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho các đối tượng yếu thế như phụ nữ, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ... nhằm nâng cao mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, an sinh xã hội… Tại đây, cùng các doanh nghiệp được lựa chọn, công ty sẽ được tham gia một quá trình đánh giá toàn diện và được tập huấn, đào tạo toàn bộ kiến thức quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng kiến thức và kỹ năng từ quản trị chiến lược, thương hiệu, marketing, tài chính, nhân sự, ...rồi tiến tới tư vấn chuyên sâu các vấn đề của doanh nghiệp đang gặp phải để cùng doanh nghiệp thay đổi một cách tích cực hơn. “Chương trình EFD sẽ kết thúc trong năm nay nhưng với doanh nghiệp EFD thì chúng mình vẫn tiếp tục gắn kết cùng nhau. Chúng mình luôn cảm thấy tự hào về những giá trị mà EFD mang lại cho mỗi doanh nghiệp” – nữ giám đốc trẻ nhấn mạnh.
Xét đến cùng, sự phát triển và giàu mạnh bền vững của một doanh nghiệp sẽ cần phải dựa vào nền tảng về sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đó cung ứng có thực sự giải quyết được vấn đề xã hội nào đó, có thực sự mang lại giá trị, giải pháp hữu ích nào đó cho xã hội hay không, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội. Do đó, khi nào doanh nghiệp còn có giá trị cho xã hội, còn thật sự giúp đỡ cho xã hội thì doanh nghiệp đó mới còn tồn tại bền vững và có ý nghĩa được. Đó cũng chính là tinh thần mà chúng tôi ghi nhận được sau khi tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp EFD và thấu hiểu hơn giá trị bền vững mà EFD mang lại./.