|
Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm (Ảnh: B.T) |
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, cả nước đã xảy ra 49 ổ dịch cúm gia cầm tại 39 huyện của 22 tỉnh, thành phố, bao gồm: 46 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8. Tổng số gia cầm tiêu hủy là 103.028 con.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 7/3/2023, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 huyện của 4 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy 6.569 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 33,33%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 71,26%.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng 102,8 triệu liều vắc xin cúm gia cầm; đang bao quản tại kho 58 triệu liều. Dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý II 133,8 triệu liều, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng bệnh, tiêm phòng bao vây chống dịch.
Cũng theo Cục Thú y, các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.
Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Vi rút cúm gia cầm lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao. Giao thương, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới. Thời tiết diễn biến cực đoan, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Đáng chú ý, nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc./.